1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cao tốc hư hỏng suốt 1 năm, nhà thầu “né” trách nhiệm bảo hành?

(Dân trí) - Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng từ tháng 8/2017, đơn vị quản lý khai thác đã sửa chữa cục bộ để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhà thầu thi công "né tránh” trách nhiệm bảo hành công trình, không thực hiện thảm lại mặt đường khiến hư hỏng càng ngày càng nặng.


Đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ đưa vào thông xe tháng 8/2017, ngay sau đó đã xuất hiện hư hỏng cục bộ.

Đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ đưa vào thông xe tháng 8/2017, ngay sau đó đã xuất hiện hư hỏng cục bộ.

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công ngày 19/5/2013 với tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ VNĐ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 139,204km, đi qua 3 tỉnh/thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Dự án do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư và được thông xe toàn tuyến vào ngày 2/9/2018.

Trước đó, từ tháng 8/2017, VEC đã thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác 65km đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ, từ Km0+000 đến Km65+000. Nhà thầu thực hiện dự án là Liên danh Oriental Consultants Co.,Ltd. (Nhật Bản) - Katahira Engineers International (Nhật Bản) - SMEC International Pty, Ltd (Australia) là Tư vấn giám sát thi công đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ.

Đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ bị hư hỏng cục bộ từ tháng 8/2017
Đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ bị hư hỏng cục bộ từ tháng 8/2017

Qua tìm hiểu, ngay sau khi tuyến đường được đưa vào khai thác (từ tháng 8/2017) đã xuất hiện hiện tượng hư hỏng mặt đường, ảnh hưởng đến công tác khai thác và an toàn giao thông, hiện tượng lún võng đầu cầu, ổ gà, nứt vỡ mặt đường, hư hỏng hệ thống hàng rào B40, đường gom…

Theo đại diện đơn vị quản lý và khai thác đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ, những hư hỏng nói trên đã được đơn vị khắc phục, trám vá và xử lý sơ bộ nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Điều đáng nói là, công trình hiện vẫn đang trong giai đoạn bảo hành, nhà thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng công trình cũng như chi phí sửa chữa khắc phục các hư hỏng của công trình (thời gian bảo hành 3 năm).

Về nguyên tắc, khi xuất hiện hư hỏng mặt đường, nhà thầu phải kiểm tra, đánh giá mức độ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật như bóc dỡ và thảm lại mặt đường bê tông nhựa, để xử lý triệt các vị trí hư hỏng cục bộ. Tuy nhiên, hư hỏng tại đoạn tuyến cao tốc đã diễn ra 1 năm qua, nhưng nhà thầu dường như vẫn “né tránh” tránh nhiệm bảo hành của mình (?!)

Đơn vị quản lý và khai thác đường cao tốc thực hiện sửa chữa, trám vá tạm thời các vị trí mặt đường hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông
Đơn vị quản lý và khai thác đường cao tốc thực hiện sửa chữa, trám vá tạm thời các vị trí mặt đường hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông

Tháng 8/2018, đơn vị khai thác tuyến đã đề nghị Ban Quản lý dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo nhà thầu thi công khắc phục bù lún, thảm lại mặt đường, nhưng nhà thầu vẫn không triển khai thi công.

Đến tháng 9/2018, các hư hỏng trên đoạn tuyến xuất hiện nhiều thêm và nặng hơn và trải dài 130km. Do thời tiết mưa nhiều và vừa thi công vừa khai thác nên tiến độ sửa chữa bị chậm, phải đến ngày 10/10 vừa qua toàn bộ tuyến mới cơ bản hoàn thành công tác sữa chữa, trám vá cục bộ. Lúc này, nhà thầu vẫn chưa thực hiện trách nhiệm bảo hành dự án theo cam kết.

Trước tình hình cấp bách, hôm 11/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu VEC tạm dừng thu phí toàn tuyến từ 0h ngày 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng. Bộ GTVT yêu cầu VEC phải chỉ đạo đơn vị nhà thầu, tư vấn khắc phục kịp thời trong quá trình bảo hành, khai thác công trình, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

Đặc biệt, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi trong thời gian vận hành tiếp theo, chỉ đạo việc thực hiện của VEC. Trường hợp VEC không chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa kịp thời các hư hỏng mặt đường thì Tổng cục kiến nghị Bộ GTVT cho dừng việc thu phí tại dự án này.

Để đảm bảo xử lý triệt để các hư hỏng, nhà thầu phải thực hiện bóc dỡ và thảm lại mặt đường. Tuy nhiên, nhà thầu đang né trách nhiệm bảo hành dự án.
Để đảm bảo xử lý triệt để các hư hỏng, nhà thầu phải thực hiện bóc dỡ và thảm lại mặt đường. Tuy nhiên, nhà thầu đang "né" trách nhiệm bảo hành dự án.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm