1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảnh sát biển: Lực lượng chủ chốt trong thực thi pháp luật trên biển

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn biển, đảo của Tổ quốc, trên cơ sở “Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”, ngày 31/8/1998, Bộ Tư lệnh Hải quân công bố thành lập Cục Cảnh sát biển.

Đến ngày 27/8/2013, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Nghị định 96/2013/NĐ-CP  trong đó đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
 
Lớn mạnh không ngừng

 

Lớn mạnh không ngừng

 

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ chính của Cảnh sát biển là kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển.

 

Hiện nay tổ chức, biên chế của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có bước phát triển mạnh với 4 Vùng Cảnh sát biển, 2 Cụm trinh sát, 4 Cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, 1 Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển, 1 Trung tâm Thông tin. Trực thuộc các Vùng Cảnh sát biển còn có các cơ quan chức năng và các hải đội, trạm sửa chữa, trạm hàng hải cứu nạn, bảo vệ môi trường, trạm sửa chữa huấn luyện.

 

Theo Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, hiện nay Cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị hơn 60 tàu các loại như: K206, Tàu tuần tra cao tốc các loại TT120; TT200; TT400; Tàu cứu nạn CN-3500 CV; Tàu tuần tra Đa năng DN-2000 và nhiều trang bị hiện đại như: Máy bay tuần thám biển Casa 212-400 được trang bị Hệ thống tuần thám MSS-600; ra đa các loại; các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy. Ngoài ra còn có Trung tâm điều hành chỉ huy đồng bộ hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý biển một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Trong năm 2013, Cảnh sát biển Việt Nam nhận bàn giao, đưa vào biên chế, trang bị, khai thác sử dụng các tàu tuần tra CSB 8003, 2015, 2016 và 01 tàu Đa năng hiện đại CSB 8001.

 

Từ bắt cướp biển có vũ trang đến xua đuổi tàu lạ

 

Trong công tác bảo vệ chủ quyền, Cảnh sát biển đã phát hiện và tiến hành xua đuổi gần 4.500 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam trong vòng 15 năm qua. Bắt và bàn giao hơn 130 tàu thuyền buôn lậu và các tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền cho các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Đã tổ chức trên 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã tiến hành kiểm tra trên 10.821 lượt tàu thuyền các loại; xử phạt vi phạm hành chính trên 4.687 lượt tàu thuyền… Từ năm 2008 đến nay, Cảnh sát biển đã thực hiện 23 vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển xa, đã cứu được 17 phương tiện và 278 người. Nhiều vụ việc diễn ra trên các vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp.

 

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từng bắt gọn 11 tên cướp có vũ trang cướp tàu chở dầu Za-fi-ra mang cờ Malaysia bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Cảnh sát biển Việt Nam trong đấu tranh trấn áp tội phạm cướp biển.

 

Cũng theo Đại tá Ngô Ngọc Thu, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”. Phương hướng hoạt động của Cảnh sát biển trong thời gian tới là chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp xảy ra trên các vùng biển, bảo đảm thực hiện đúng đối sách, phương châm tư tưởng chỉ đạo, giữ vững chủ quyền, không để xảy ra xung đột, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên các vùng biển của Tổ quốc.

 

Theo Bảo Linh
 An ninh Thủ đô