Thanh Hóa:
Cảnh hoang tàn nơi Làng thanh niên lập nghiệp
(Dân trí) - Sau 10 năm được đầu tư, thành lập với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và vốn ngân sách hỗ trợ để xây dựng kinh tế gia đình phát triển bền vững, đến nay, điều dễ nhận thấy nhất tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được đầu tư số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng là cảnh hoang tàn, xơ xác.
Dự án Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Sông Chàng được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2007. Dự án do Tỉnh đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng trên diện tích 600 ha, tại địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, nằm cạnh đường Hồ Chí Minh.
Năm 2008, Tỉnh đoàn Thanh Hóa chính thức khởi công xây dựng dự án với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng.
Mục tiêu đề ra của Làng TNLN Sông Chàng là động viên, thu hút một bộ phận Thanh niên xung phong tình nguyện đến lâp nghiệp lâu dài tại dự án. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và vốn ngân sách hỗ trợ để xây dựng kinh tế gia đình phát triển bền vững, xây dựng khu dân cư mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Dự án dự kiến thu hút khoảng 150 hộ gia đình thanh niên đến sinh sống, tập trung phát triển kinh tế và tiến tới làm giàu ngay trên vùng đất mới.
Mỗi đoàn viên, gia đình đoàn viên thanh niên khi vào định cư ở Làng TNLN sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3,2ha đất canh tác cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Với sức “hấp dẫn” từ những chính sách ban đầu của dự án, nên có thời điểm, Làng TNLN Sông Chàng có hơn 140 hộ dân được chia làm 4 cụm dân cư đến làm ăn, sinh sống.
Qua tìm hiểu thực tế, số hộ đang cư trú thường xuyên tại cụm dân cư số 1 là 11/14 hộ, cụm dân cư số 2 có 20/60 hộ, cụm dân cư số 3 có 20/54 hộ, cụm dân cư số 4 có 4/13 hộ. Như vậy, ngoài 20 hộ bị thu hồi thì còn 121 hộ dân sinh sống tại đây, nhưng trên thực tế chỉ còn 55 hộ.
Ngày đặt chân đến đây, nhiều hộ gia đình trẻ mang theo bao kỳ vọng có thể thay đổi cuộc sống trên vùng đất mới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, sự thay da đổi thịt chưa thấy đâu, nhưng nhiều gia đình thanh niên không còn cách nào khác đã phải bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai ở vùng đất khác.
Khung cảnh dễ nhận thấy khi đến Làng TNLN vào thời điểm này là hình ảnh hàng chục ngôi nhà để hoang không một bóng người, nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Có những cụm dân cư hiện chỉ còn một vài hộ cố gắng bám trụ, sống trong lay lắt. Bên cạnh đó, nhiều diện tích sản xuất giờ đây đã bị hoang hóa, lau sậy, cỏ dại mọc um tùm.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, đất canh tác quá cằn cỗi, thiếu nước tưới trầm trọng nên sản xuất gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều nhà không có nước phải mua nước bình về sinh hoạt; việc xin giấy tờ cũng gặp khó khăn. Thậm chí, cả Làng không có nghĩa trang để chôn cất người chết.
Từ trước đến nay, người dân chưa được thụ hưởng các chính sách của vùng 30a. Cụ thể, trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ gia đình là người dân tộc thiểu số sẽ không được cấp thẻ BHYT theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
Không những thế, dù được cấp đất ở và đất sản xuất nhưng trên thực tế, các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khi có nhu cầu không thể làm thủ tục vay vốn ngân hàng…
Khu Trung tâm văn hóa của Làng TNLN Sông Chàng hiện nay cũng đang bỏ hoang, các công trình đã xuống cấp, gây lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước.
Được biết, ngày 5/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định 3309/QĐ-UBND về việc thành lập thôn Thanh Niên, thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân trên cơ sở cụm dân cư Làng TNLN Sông Chàng.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT cũng như huyện Như Xuân phối hợp với Tỉnh đoàn khẩn trương rà soát để cấp sổ đỏ cho các hộ thanh niên theo đúng quy định; có chính sách hỗ trợ cây, con giống để thực hiện các mô hình sản xuất ở Làng TNLN Sông Chàng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, đến nay, những chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chậm được thực hiện khiến các hộ thanh niên rơi vào tình cảnh khó khăn...
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề nêu trên...
Duy Tuyên