1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần xóa bỏ định kiến "sản phẩm tốt xuất khẩu, hàng lỗi tiêu thụ trong nước"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, muốn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản trong nước, cần xóa bỏ định kiến "sản phẩm tốt xuất khẩu, sản phẩm lỗi để tiêu thụ trong nước".

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại cuộc tọa đàm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản tại thị trường nội địa do Báo Dân việt tổ chức hôm nay (7/1).

Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Việt Nam có khoảng 800 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu và không ít các cơ sở này cũng đã quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 3.200 cơ sở quy mô nhỏ chuyên chế biến các sản phẩm thủy sản phục vụ nội địa với tổng sản phẩm khoảng 600.000 tấn và giá trị đạt 23.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đến nay đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, cụ thể như: Chi phí vận chuyển, kho bãi tăng cao do đứt gãy một số khâu trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Tại một số thị trường áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ dẫn đến hàng hóa gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng truyền thống. Thị trường Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm tra khắt khe hơn về kiểm dịch, làm gia tăng chi phí.

Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam - cho rằng: Nhìn các mặt hàng nông sản của Việt Nam ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc "xót xa lắm", vì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, tìm giải pháp để tiêu thụ được nông thủy sản trong nước là việc làm rất quan trọng. 

Cần xóa bỏ định kiến sản phẩm tốt xuất khẩu, hàng lỗi tiêu thụ trong nước - 1

Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Thị trường Việt Nam có 100 triệu dân, mà thị trường có 5-7 triệu khách hàng đã rất quý rồi. Hình như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "xem nhẹ" thị trường trong nước quá, vì chủ yếu tập trung xuất khẩu.  Thị trường trong nước đã thay đổi mạnh mẽ, đời sống người dân nâng cao, chất lượng bữa ăn đã nâng cao nên người dân có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông thủy sản chất lượng" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hệ thống giao thông vận tải rất thuận lợi, kết nối giữa các vùng không còn khó khăn, do đó việc đưa sản phẩm nông thủy sản đến với các vùng quê rất thuận lợi. Ông mong các nhà xuất khẩu, phân phối sản phẩm nông thủy sản phải thực sự quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa.

Ông Lê Thanh Hòa - Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết, năng lực sản xuất nông thủy sản của Việt Nam rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang trong top 56 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới. 

Đối với khai thác thủy sản, ông Hòa cho biết, hiện nay đang dịch chuyển từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản, để phục vụ cho xuất khẩu bền vững. Có rất nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến thị trường tiêu thụ trong nước. 

Cần xóa bỏ định kiến sản phẩm tốt xuất khẩu, hàng lỗi tiêu thụ trong nước - 2

Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam để sửa đổi một số qui định về dư lượng chất kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản tại thị trường nội địa" - ông Hòa nói.

Cũng về nội dung trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra quan điểm: Việt Nam là một cường quốc về nông thủy sản. Tổ chức thị trường bán lẻ thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 5 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, thu hút nhiều đơn vị phân phối nước ngoài vào. 

Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, với khả năng thanh toán ngày càng cao, nhu cầu rất mở rộng. Ngay trẻ em sơ sinh đến thời điểm ăn dặm đã được các ông bố, bà mẹ cho ăn những sản phẩm thủy sản cao cấp như cá hồi, các cụ già về hưu cũng sử dụng những sản phẩm này.

"Thị trường Việt Nam rất dễ tiêu thụ cho nông thủy sản ở Việt Nam, bởi đa dạng khách hàng, có bộ phận bình dân với thu nhập bình thường, có bộ phận cao cấp thu nhập cao. Nó khác với xuất khẩu, chỉ hướng đến khách hàng cao cấp" - ông Phong nói.

Cần xóa bỏ định kiến sản phẩm tốt xuất khẩu, hàng lỗi tiêu thụ trong nước - 3

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ông Phong, dường như các doanh nghiệp đang "bỏ quên" thị trường nội địa, bởi các nguyên nhân như coi nhẹ thị trường trong nước, thích ngoại tệ, thích cùng một lúc xuất khẩu vài trăm container hơn là bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta đã để lại định kiến rất quan trọng, đó là thời kỳ trước chúng ta hàng tốt xuất khẩu để lấy ngoại tệ, sản phẩm lỗi bán trong nước, tạo ra suy nghĩ là "hàng kém chất lượng thì bán trong nước". 

"Ngoài ra, một thời gian người sản xuất nông thủy sản dùng nhiều chất kích thích, dẫn đến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin với sản phẩm trong nước nên đã bỏ tiền ra mua các hoa quả, thủy sản nhập, mặc dù sản phẩm trong nước giá rẻ hơn nhiều, bởi vì họ không dám ăn chứ không phải không có tiền. Tất cả việc này là rào cản về mặt nhận thức, chúng ta cần thay đổi vấn đề này", ông Phong cho biết.

Từ thực trạng đó, tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đưa ra các giải pháp làm sao thúc đẩy tiêu thụ được nông thủy sản tại thị trường nội địa. Trong đó, các ý  kiến đều cho rằng, cần thay đổi khâu chế biến, bảo quản để phù hợp với tập quán, khẩu vị tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản của người dân từng vùng; có chính sách trợ giá cho các đơn vị phân phối sản phẩm nông thủy sản tiêu thụ trong nước như: giảm thuế, giảm giá thuê mặt bằng; hỗ trợ quảng bá... từ đó giá thành được giảm xuống, phù hợp với túi tiền của số đông người dân Việt Nam...