Ùn ứ cửa khẩu: Trăm xe nông sản "cực chẳng đã" quay đầu, bán rẻ giải cứu
(Dân trí) - Với việc quay xe lại thị trường nội địa tiêu thụ, theo anh Hiệp - đơn vị chuyên xuất khẩu thanh long - sẽ phải chịu lỗ thấp nhất một nửa, thậm chí còn nhiều hơn, bán được là may.
Lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, lượng tồn đến ngày 31/12 tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 2.945 xe. So với số xe tồn tại thời điểm hôm qua là giảm 191 xe.
Nguyên nhân chính do thời gian chờ đời lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo đến các doanh nghiệp và đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Trong số xe ùn ứ tại các cửa khẩu, hàng nông sản chiếm đa số. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tồn tại khu vực này là 1.401 xe, trong đó hoa quả chiếm tới 986 xe.
Tại cửa khẩu Chi Ma tồn tới 588 xe, trong đó nhiều xe chở ớt, sắn, vừng... Còn cửa khẩu phụ Tân Thanh, tồn 956 xe, trong đó hoa quả chiếm tới 740 xe, ngoài ra là các xe chở nông sản khác như ớt, vừng, cây thạch đen...
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cũng cho biết, việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) từ ngày 29/12/2021 đến hết ngày 26/1/2022 khiến nhiều xe chở mặt hàng này phải quay đầu.
Nhiều lái xe cho biết đã mòn mỏi chờ ở cửa khẩu khu vực Lạng Sơn để được thông qua. Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ phía Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, chủ hàng đã yêu cầu tài xế quay đầu, đưa hàng về tiêu thụ nội địa.
Với việc quay xe lại thị trường nội địa tiêu thụ, theo anh Hiệp - Giám đốc Công ty Hoàng Hậu - đơn vị chuyên xuất khẩu thanh long - doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ thấp nhất một nửa, thậm chí còn nhiều hơn, bán được là may.
"Mà cũng chỉ tiêu thụ được một phần thôi, chứ không phải cứ quay trở lại là bán được. Khó tiêu thụ lắm với số lượng lớn thế này. Ví dụ 1-2 container còn trôi chứ lên tới 3-4 thì chịu. Rẻ cũng không bán được vì sức mua nó chỉ có vậy, rẻ người ta ăn lên gấp đôi là cùng chứ cũng không thể gấp 5-7 lần được", anh Hiệp nói.
Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh giải cứu mặt hàng nông sản do ùn ứ trên cửa khẩu Lạng Sơn được chia sẻ. Có những cá nhân đứng ra gom thành từng nhóm đi hỗ trợ chủ hàng, bà con tiêu thụ với hy vọng giảm bớt thiệt hại.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - không khỏi xót xa trước cảnh hàng dài container chở nông sản ùn ứ trên cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc.
Ông Nguyên tính toán, thiệt hại trong đợt ùn ứ này rất lớn. Con số có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500 triệu đồng. Cộng thêm cho phí tiền xe cũng lớn vì đa số các mặt hàng được chở ra từ Tiền Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận…
"Chưa kể chi phí duy trì sinh hoạt, bến bãi, xăng dầu để duy trì nhiệt độ bảo quản nghe đâu mỗi tài xế mất 1-2 triệu mỗi ngày. Cộng cả vào mỗi xe chắc tầm đến 600 triệu đồng, có xe còn hơn. Đối với doanh nghiệp, chủ hàng đây là khối tài sản vô cùng lớn với họ", ông Nguyên nói. Chưa kể đời sống các tài xế vô cùng chật vật vì "ăn bờ ngủ bụi", vật vờ mòn mỏi chờ…
Thông tin từ các đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc cho thấy sau 4 tuần tạm ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, ngày 26/1/2022 là 25 tháng chạp nên có thể phía Trung Quốc cũng nghỉ tết Nguyên đán.
Phải 2 tuần sau khi nghỉ tết, phía Trung Quốc mới mở cửa trở lại nhưng việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này dự báo tiếp tục gặp khó trong quý I/2022.
Nếu tình trạng này không được xử lý tận gốc, theo ông Nguyên, nó vẫn sẽ diễn ra trong năm 2022. Bởi Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược "Zero Covid-19". Cứ phát hiện một ca F0 là họ đóng cửa biên giới. "Không còn cách nào khác chúng ta phải tự sắp xếp ở phía chúng ta thôi", ông Nguyên nêu quan điểm.
Một cuộc điện đàm vừa diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo, trao đổi về phương hướng, biện pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu biên giới hai nước.
Trước tình hình ách tắc hàng hóa gia tăng nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí cho rằng vấn đề ùn tắc hàng hóa đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân và doanh nghiệp mỗi nước, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại song phương và chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực.
Hai bên cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện đồng thời mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế - thương mại; khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sớm khôi phục hoạt động thương mại biên giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương hai bên, cũng như góp phần duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là bảo đảm lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Với tinh thần hợp tác, cùng khắc phục khó khăn, hai bên nhất trí duy trì trao đổi chặt chẽ, tích cực thúc đẩy các bộ ngành, địa phương hai nước phối hợp khẩn trương tìm kiếm giải pháp sớm tháo gỡ vấn đề ách tắc hàng hóa hiện nay; đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc.