Cần giải pháp mạnh mẽ cơ cấu lại doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả

Lê Hoa

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Chậm thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Sáng 23/5, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực như đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu.

Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, thu ngân sách Nhà nước đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng hơn 400 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng.

Cần giải pháp mạnh mẽ cơ cấu lại doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 (Ảnh: Quốc hội).

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. 

Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản luôn bám sát và tuân thủ quy định của pháp luật; nguồn thu từ khai thác khoáng sản là 4.115 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên nước; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi...", ông Phớc nói.

Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người, đạt tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021.

Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Cần giải pháp mạnh mẽ

Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình giai đoạn 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả như Nhà máy điện Long Phú 1, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; một số dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. 

Cần giải pháp mạnh mẽ cơ cấu lại doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh (Ảnh: Quốc hội).

Ngoài ra, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu, triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.

Thời gian tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo Ủy ban, cần công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.