Báo cáo Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(Dân trí) - Sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.815 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 400 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Mặc dù tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, song số nợ thuế của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, công tác triển khai phân bổ chi ngân sách nhà nước chậm, nhất là các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi, Chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương.
Nguyên nhân do hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế; công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp chậm.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong công tác chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, nhất là chi đầu tư phát triển; việc áp dụng các chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm, muộn trong phân bổ dự toán ngân sách còn chưa nghiêm.
Sau báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về công tác này.
Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).