Chính phủ quyết “không rót tiền” để cứu doanh nghiệp thua lỗ!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Chính phủ khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ nêu rõ tình hình và kết quả triển khai thời gian qua.

Chính phủ cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cần khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

“Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ quyết “không rót tiền” để cứu doanh nghiệp thua lỗ! - 1
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ

Chính phủ cũng nhấn mạnh kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh việc khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể: Trong năm 2018, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo danh mục doanh nghiệp bàn giao về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020, các Bộ, ngành, địa phương sẽ bàn giao 62 doanh nghiệp về SCIC. Lũy kế đến tháng 5/2020 đã chuyển giao 35/62 số doanh nghiệp về SCIC (đạt 55%) với tổng giá trị chuyển giao là 10.471 tỷ đồng (đạt 95,2%), còn 27 doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC với khoảng 4,8% tổng giá trị chuyển giao.

Đến hết tháng 9/2020, đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 5 Tổng công ty với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỷ đồng về SCIC để thực hiện thoái vốn.

”Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp” - báo cáo khẳng định.

Để xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, Đề án 1468 đề ra 2 mục tiêu: Sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ban chỉ đạo và các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả cụ thể trong xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Tuy nhiên, đến nay, số lượng các dự án xử lý được còn khiêm tốn. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 dự án, phấn đầu hoàn thành xử lý trong năm 2020.

“Nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021, trên nguyên tắc đề cao tự chủ của doanh nghiệp, xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án” - báo cáo của Chính phủ tái khẳng định.