Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau khi sáp nhập 2 xã thành một đơn vị hành chính đã nảy sinh chuyện "dở khóc dở cười" khi cán bộ công chức một số địa phương phải chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở để làm việc.

Một ngày làm việc 2 trụ sở

Đó là tình trạng đang diễn ra tại 2 xã Ngư Thủy và Trường Thủy của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xã Trường Thủy là địa phương được sáp nhập từ 2 xã Trường Thủy và Văn Thủy.

Sau sáp nhập, xã Trường Thủy dư ra một trụ sở. Để tránh lãng phí cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao dịch của người dân, xã này trưng dụng cả 2 trụ sở để làm việc.

Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở - 1

Sau sáp nhập, nhiều xã tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang sử dụng cả 2 trụ sở để làm việc (Ảnh: Tiến Thành).

Buổi sáng, cán bộ xã Trường Thủy làm việc ở trụ sở này, buổi chiều lại di chuyển qua trụ sở khác. Bởi vậy cán bộ xã này mỗi ngày đều phải "tay xách nách mang" sổ sách, giấy tờ, con dấu… từ trụ sở này sang trụ sở kia làm việc.

Ông Đỗ Văn Tuận hiện là cán bộ tư pháp của xã Trường Thủy, mỗi ngày ngoài việc di chuyển ra vào 2 trụ sở, ông còn phải mang theo ba lô hơn 10kg đựng sổ sách, giấy tờ liên quan của công việc.

Bản thân ông Tuận và các cán bộ xã Trường Thủy thường xuyên phải làm quá giờ để có thể hoàn thành nốt công việc của người dân trong buổi, trong ngày. Những trường hợp mất nhiều thời gian không giải quyết kịp đành phải hẹn gặp người dân tại trụ sở khác.

Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở - 2

Cán bộ xã Trường Thủy "tay xách nách mang", chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở mỗi ngày (Ảnh: Tiến Thành).

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, sau khi sáp nhập, xã Trường Thủy có hơn 1.500 hộ với trên 5.500 nhân khẩu, nhu cầu giao dịch các loại giấy tờ, thủ tục của người dân tăng cao.

Theo ông Quyết, thời gian đầu sát nhập, lãnh đạo xã thống nhất đưa ra phương án sẽ làm việc tại trụ sở xã Văn Thủy (cũ) vào các ngày thứ 2, 4, 6 và trụ sở còn lại vào ngày thứ 3, 5. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc gặp nhiều bất cập, xã lại chuyển phương án thay thế, sáng làm việc tại trụ sở Văn Thủy (cũ), chiều lại di chuyển ra trụ sở Trường Thủy (cũ).

"Hiện nay cán bộ xã hơn 20 người, sáp nhập thì công việc tăng gấp 2, 3 lần, làm việc sáng một nơi, chiều một nơi nên rất vất vả, đặc biệt là những ngày mưa gió. Với đặc thù công việc, giấy tờ, con dấu không được phép đưa về nhà, nên cứ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở như vậy", ông Quyết cho biết.

Ôm theo hồ sơ, con dấu chạy ngược xuôi

Tương tự tại xã Ngư Thủy, đây là địa phương được sáp nhập từ 2 xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết, sau sáp nhập, địa phương này có tất cả 10 thôn với hơn 1.600 hộ dân. Hiện 2 trụ sở của UBND xã Ngư Thủy nằm cách nhau gần 15km, cán bộ xã đang phải làm việc ở 2 nơi xen kẽ theo lịch.

Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở - 3

Một trong 2 trụ sở của xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (Ảnh: Tiến Thành).

Cụ thể, để xử lý các công việc sau khi sáp nhập, lãnh đạo xã Ngư Thủy thống nhất đưa ra phương án làm việc tại trụ sở xã Ngư Thủy Nam (cũ) vào các ngày thứ 2, 4, 6 và trụ sở Ngư Thủy Trung (cũ) vào ngày thứ 3, 5.

"Mỗi ngày sẽ làm việc tại một trụ sở khác nhau, bởi vậy người dân chúng tôi phải nắm lịch, đến đúng địa điểm để làm giấy tờ hay thủ tục mình cần. Cái này cán bộ và người dân đều có những vất vả. Chưa kể việc cán bộ cứ phải ôm giấy tờ qua lại, có thể dẫn đến tình trạng thất lạc, hư hỏng", bà Ngô Thị Tuyết, trú thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thủy nói.

Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở - 4

Vì song hành 2 trụ sở, người dân sẽ phải nắm lịch, đến đúng địa điểm để làm giấy tờ hay thủ tục mình cần (Ảnh: Tiến Thành).

Một số cán bộ xã Ngư Thủy cũng cho hay, làm ở cả 2 trụ sở sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại gần hơn, tuy nhiên cũng có nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giấy tờ. Cán bộ xã phải tìm kiếm xem hiện các giấy tờ đang nằm ở trụ sở nào, rất rườm rà và tốn công sức, thời gian.

"Sáng phải đi làm sớm, tới trụ sở này lấy hồ sơ, tài liệu, con dấu để sang trụ sở kia làm việc, hết ngày làm việc thì quay ngược lại để cất giữ. Vào mùa mưa lũ, cứ ôm một đống tài liệu, giấy tờ quan trọng chạy ngược, chạy xuôi rất vất vả, chưa kể tài liệu quan trọng có thể bị ướt, hư hỏng", chị Dương Thị Ngân, cán bộ địa chính xã Ngư Thủy chia sẻ.

Cán bộ xã mỗi ngày vác 10kg giấy tờ chạy đi chạy lại giữa 2 trụ sở - 5

Chị Dương Thị Ngân, cán bộ địa chính xã Ngư Thủy (Ảnh: Tiến Thành).

Được biết, hiện UBND huyện Lệ Thủy đã đề xuất việc xây dựng điểm trụ sở mới ở trung tâm của các xã sáp nhập trong chương trình đầu tư công của tỉnh Quảng Bình.

Về việc dư thừa trụ sở sau sáp nhập, huyện Lệ Thủy cũng xây dựng phương án trưng dụng trụ sở để bố trí cho các cơ quan trên địa bàn xã hoặc đề xuất tỉnh bán đấu giá tài sản công thu vào nguồn ngân sách tỉnh nhằm tránh lãng phí.

Dòng sự kiện: Câu chuyện sáp nhập