Sáp nhập huyện, xã còn vướng mắc trong sắp xếp cán bộ dôi dư
(Dân trí) - Đại diện Bộ Nội vụ thừa nhận việc sắp xếp cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 còn một số khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ (cơ quan soạn thảo) thông tin, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Qua đó, cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 cấp xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện; tinh giản biên chế; giảm chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời đã cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương.
Sau khi thực hiện, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những địa phương (cấp huyện, cấp xã) thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội vụ cũng thừa nhận việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Chất lượng đô thị chưa bảo đảm theo quy định. Việc sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, tài sản công của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa hiệu quả...
Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.
Tại phiên họp, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo rà soát, xác định lại thẩm quyền đánh giá tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.
Đối với vấn đề nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất cân nhắc quy định đơn vị hành chính cấp huyện có từ 50% đơn vị hành chính cấp xã trở lên được công nhận là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Làm rõ nguồn kinh phí xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ sau khi sắp xếp…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết này, nhưng cho rằng cần có những cơ chế, chính sách, tiêu chí phù hợp với đặc thù địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới.
Bà Oanh đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại tính khả thi, thống nhất của các quy định đưa ra trong dự thảo nghị quyết; bổ sung đánh giá chi tiết tác động của chính sách đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật…
Đại diện ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và sẽ hoàn thiện hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trong thời gian tới.