"Bức tranh" trụ sở làm việc sau sáp nhập xã, huyện trên cả nước
(Dân trí) - Còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng...
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về thực hiện Nghị quyết số 37/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp có rất nhiều vấn đề đặt ra.
"Còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng"
Một số huyện, xã sau khi thành lập vẫn tạm thời bố trí người làm việc ở cả 2 hay nhiều trụ sở như trước khi sắp xếp do khoảng cách giữa các trụ sở khá xa. Một số địa phương đã thực hiện tu sửa, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục của các trụ sở để đáp ứng yêu cầu công việc.
Đối với trụ sở TAND, VKSND cấp huyện dư thừa do sắp xếp, trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có nơi sử dụng làm trụ sở tiếp công dân, trụ sở hòa giải, đối thoại, nhà công vụ,...
Các trụ sở VKSND cấp huyện dôi dư đều được lập phương án chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
Đối với trụ sở làm việc của các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục được các địa phương giữ nguyên hiện trạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, khám chữa bệnh của người dân (chỉ thực hiện sắp xếp, sáp nhập về tổ chức bộ máy). Có địa phương đã đầu tư xây dựng mới trường học ở vị trí trung tâm hơn, với số lượng phòng học nhiều hơn để phù hợp với yêu cầu.
"Các địa phương đã nghiêm túc triển khai, thực hiện rà soát các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017 và Nghị định số 67/2021 của Chính phủ.
Một số địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện rất hiệu quả. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh điều chuyển trụ sở của Huyện ủy Hoành Bồ (cũ) cho Trường THPT Hoành Bồ, nhà đất của UBND huyện Hoành Bồ (cũ) cho UBND phường Hoành Bồ;...
Ở một số địa phương, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức bị phân tán do vẫn duy trì 2 - 3 trụ sở làm việc như trước khi sắp xếp. Việc duy trì sử dụng các trụ sở cũ làm cho kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì các trụ sở làm việc và các chi phí hành chính không giảm được như mong đợi. Điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian, quãng đường di chuyển tăng thêm nhiều.
Bộ Nội vụ nêu câu chuyện ở các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, hầu hết các xã, thị trấn mới được thành lập đều duy trì sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã cũ do số lượng cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đông không thể bố trí về một trụ sở. Có trường hợp trụ sở của các đơn vị hành chính cấp xã và các thiết chế văn hóa - xã hội, cơ sở y tế, giáo dục... không nằm ở vị trí trung tâm về mặt địa lý tự nhiên của xã mới gây khó khăn cho nhân dân trong việc giao dịch, tiếp cận dịch vụ công.
Ở các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc, vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, không đáp ứng yêu cầu công việc do số lượng cán bộ, công chức tại xã, huyện mới tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc và việc xử lý, giải quyết các giao dịch, thủ tục cho nhân dân.
Sau khi đơn vị hành chính mới được thành lập (trên cơ sở sáp nhập từ 2 đơn vị hành chính trở lên), số lượng biên chế công chức và người lao động của cơ quan, đơn vị thực tế làm việc nhiều hơn so với trước do đang trong thời gian sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Công chức được điều động về đơn vị mới hoặc về tỉnh còn khó khăn về phương tiện đi lại, phải thuê nhà nên có phần ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và đời sống của cán bộ, công chức được sắp xếp.
"Vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân, chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa trụ sở cao", Bộ Nội vụ cho hay.
Trong khi đó, quá trình tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển, giá trị giảm do không còn nằm ở khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ.
Có địa phương như tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản công là nhà đất dôi dư do các tài sản này không xử lý được theo hình thức chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng. Khi đó thì tài sản trên đất cơ bản sẽ phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá. "Như vậy, nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không sử dụng được", Bộ Nội vụ phân tích.
Một số địa phương còn ngần ngại thanh lý, bán đấu giá trụ sở
Đánh giá về nguyên nhân, Bộ Nội vụ cho rằng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết yêu cầu của thực tế, do đó cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phục vụ việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện giai đoạn 2022 - 2030.
Một số địa phương còn ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở vì chưa tính toán được nhu cầu sử dụng công sở trên địa bàn; lo ngại rằng nếu thanh lý rồi thì khi có yêu cầu mới về trụ sở lại không đủ khả năng, nguồn lực để mua lại hay bố trí được địa điểm mới có điều kiện tương đương.
"Việc xác định giá đất cụ thể trước khi xác định giá khởi điểm bán đấu giá rất khó khăn, phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của các trụ sở, tài sản bán đấu giá không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, làm nhà ở của các đối tượng có nhu cầu. Quy trình xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn địa phương còn phức tạp; chưa giao quyền chủ động cho địa phương nên việc sắp xếp, xử lý còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất và thiếu hiệu quả", Bộ Nội vụ nêu nguyên nhân.
Số huyện, xã trên cả nước đã được sáp nhập, sắp xếp lại
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, sau khi sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị). Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị; tỉnh Hòa Bình giảm 1/11 đơn vị; TPHCM giảm 2/24 đơn vị; tỉnh Quảng Ngãi giảm 1/14 đơn vị; tỉnh Quảng Ninh giảm 1/14 đơn vị; các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu có điều chỉnh địa giới để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.
Đến nay chưa thực hiện sắp xếp đối với 10 huyện thuộc diện phải sắp xếp do các địa phương đề nghị vì có một hoặc có một số lý do. Trong đó có 3 huyện đảo nằm biệt lập là: Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và có một huyện nằm biệt lập ở cù lao là Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang.
Đối với cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng xã trong cả nước từ 11.160 giảm xuống còn 10.599 xã (giảm 561 đơn vị). Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị cấp xã; Cao Bằng giảm 38/199; Phú Thọ giảm 52/277; Hà Tĩnh giảm 46/262; Thanh Hóa giảm 76/635; Lạng Sơn giảm 26/226; Quảng Trị giảm 16/141; Hải Dương giảm 29/264 xã.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp, sáp nhập vào đơn vị hành chính phường, thị trấn là 170. Trong đó, nhập nguyên trạng xã vào phường, thị trấn là 134 đơn vị; điều chỉnh địa giới xã vào phường, thị trấn là 36 đơn vị.