"Cách chức hiệu trưởng lương 500 triệu đồng/tháng là đúng quy định"
(Dân trí) - Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định đơn vị này lựa chọn hình thức cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh là đúng quy định.
Chiều ngày 9/11, trong phần chất vấn của mình, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ Việt Nam) - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội - dành toàn bộ thời gian tranh luận với ý kiến đại biểu Lê Thanh Vân về những vấn đề liên quan đến việc cách cách Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ duy nhất Luật Viên chức và các Nghị định hướng dẫn luật này mới quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn và các hình thức xử lý kỷ luật. Các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học hoàn toàn không quy định về vấn đề này.
Ông Hiểu cũng dẫn ra Nghị định 27 quy định về thẩm quyền kỷ luật viên chức như sau: Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức xử lý kỷ luật.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ nhiệm lại vào năm 2014. Đến nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa thành lập được Hội đồng trường theo luật mới vì lý do khách quan và chủ quan.
Ông Hiểu cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định thẩm quyền của Hội đồng trường là quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng đại học công lập.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, trong trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng LĐLĐ Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm mà chỉ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định chỉ có 4 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc mà không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng liên đoàn lựa chọn hình thức cách chức”, ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, việc xử lý trên được Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện công bằng, khách quan, chặt chẽ, thận trọng, đánh giá toàn diện công và tội nhằm tiếp tục duy trì và phát triển lành mạnh bền vững nhà trường, trên cơ sở xin ý kiến cơ quan chức năng.
“Những năm qua, Tổng Liên đoàn đã tạo điều kiện tối đa để trường tự chủ nên đã đạt được kết quả nổi bật mà Quốc hội đã biết đến. Tuy nhiên, tự chủ phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giải trình. Chúng tôi ý thức rằng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên, do vậy đã xử lý vụ việc theo đúng quy định”, ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm.