1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các bộ trưởng có chối bỏ lời hứa trước Quốc hội?

Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 24-26/11, ông Lê Quang Bình (Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội) đã trả lời phỏng vấn báo giới về các vấn đề: Vì sao các bộ trưởng không chất vấn lẫn nhau? Có việc các bộ trưởng chối bỏ lời hứa trước Quốc hội?

Ban Dân nguyện đã tổng hợp được tổng số có 34 lời hứa của các bộ trưởng ở kỳ họp thứ 7. Vậy tại kỳ họp thứ 8 này có đưa ra để kiểm điểm, đốc thúc các bộ trưởng xem việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng thế nào không?

 

Vừa rồi chúng tôi đã chuyển đến một số bộ, đôn đốc các bộ trưởng trả lời các chất vấn của cử tri và ĐBQH, các bộ đều đã có trả lời. Nhưng vẫn có những trả lời chất vấn không được tốt, còn chung chung. Và những trả lời đó chưa mang "màu sắc" của một câu trả lời về một lời hứa trước QH.

 

Nói vậy nghĩa là  các bộ trưởng đã chối bỏ những lời hứa trước QH?

 

Cũng không hẳn như vậy. Lời hứa của các bộ trưởng không rõ ràng lắm. Ban Dân nguyện của QH cho đó là lời hứa, nhưng lãnh đạo bộ lại cho rằng đó là "lời phát biểu" tại QH, chứ không phải là lời hứa. Ban Dân nguyện của QH đã có công văn báo cáo với Thường vụ QH, đề nghị là trong trả lời chất vấn rất ít bộ trưởng nói rõ rằng "tôi xin hứa với QH rằng sẽ khắc phục hoặc làm một việc", mà phổ biến các bộ trưởng chỉ nói chung chung, không rõ ràng là lời hứa trước QH: "Qua ý kiến chất vấn của ĐB , cử tri chúng tôi xin tiếp thu, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với bộ A, bộ B để tìm cách khắc phục, hoặc có những việc chúng tôi xin tiếp thu và sẽ báo cáo với Chính phủ để khắc phục". Các bộ trưởng cho rằng nói như vậy  không phải là lời hứa trước QH.

 

Theo ông, có cần thiết phải có quy định về vấn đề "lời hứa trước QH" của các bộ trưởng, để tăng phần trách nhiệm đối với bộ trưởng khi trả lời chất vấn?

 

Có lẽ phải có nghị quyết của QH, hay một hướng dẫn gì đó quy định thế nào là "lời hứa trước QH" thì chúng tôi mới có cơ sở để đôn đốc, theo dõi việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng. Vì văn bản quy định như thế nào là lời hứa hiện nay chưa có. Luật Giám sát có nói là đối với bộ trưởng phải có trách nhiệm thực hiện lời hứa, nghị quyết của UBTV QH giao cho Ban Dân nguyện của QH có trách nhiệm  theo dõi và đôn đốc việc thực hiện lời hứa.

 

Nhiều bộ trưởng và lãnh đạo các UB của QH đồng thời cũng là ĐBQH, nhưng từ trước tới nay không thấy bộ trưởng của bộ này hoặc lãnh đạo của các UB tham gia chất vấn với tư cách ĐBQH?

 

Về nguyên tắc, đã là ĐB thì có quyền chất vấn. Nhưng từ trước tới nay tôi được biết, không có ĐB nào là bộ trưởng hoặc lãnh đạo các UB của QH tham gia chất vấn tại diễn đàn chất vấn.

 

Theo ông thì thực tế đó xuất phát từ lý do nào?

 

Thực ra các bộ trưởng cùng là thành viên Chính phủ, có việc gì thì cũng phối hợp với nhau để cùng làm. Thậm chí có việc của bộ này nhưng liên quan đến trách nhiệm của bộ khác, do đó việc ĐBQH là bộ trưởng  này đi chất vấn bộ trưởng kia, có lẽ cũng có vấn đề tế nhị. Các chủ nhiệm UB của QH thường phải làm việc với các bộ trưởng về các lĩnh vực liên quan, thông thường các vấn đề (khó khăn, vướng mắc...) đã được trao đổi với nhau cả rồi, nên thường  không muốn đưa ra QH để làm gì nữa, đưa nhau ra chất vấn trước QH thì có lẽ cũng có cái gì đó không tiện.

 

Theo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm