DMagazine

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM

(Dân trí) - Trong bức thư gửi ban lãnh đạo TPHCM thời điểm năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bày tỏ tâm đắc với dự án mang tầm quốc tế tại Cần Giờ.

Năm 2030, những chuyến tàu biển chất đầy container, hàng hóa tấp nập ra vào cảng trung chuyển Cần Giờ, huyện đảo duy nhất của TPHCM. Đó cũng là lựa chọn của các vị khách quốc tế khi muốn tới Việt Nam mà không muốn di chuyển bằng đường hàng không. Từ một vùng đất sình lầy ngập mặn, Cần Giờ sẽ lột xác để mang dáng dấp của thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm khu vực.

Mục tiêu và viễn cảnh này được Thành ủy TPHCM nêu rõ tại bản nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ ban hành hồi tháng 9/2022. Từ nay đến thời hạn đã định của bản nghị quyết, thành phố chỉ còn khoảng thời gian hơn một nhiệm kỳ.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 1

Huyện Cần Giờ được định hướng là thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm khu vực đến năm 2030 (Ảnh: P.N.).

Trong thực tế, những trăn trở về ý tưởng phát triển vươn ra biển được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra cho TPHCM cách đây hơn 2 thập kỷ. Trong bức thư gửi đến lãnh đạo TPHCM thời điểm đó, ông "Sáu Dân" đã bày tỏ sự tâm đắc về một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch có thể sánh vai với thế giới, đặt tại nơi duy nhất giáp biển của địa phương này.

"Chúng ta có một vùng rừng đặc biệt hiếm và không xa thành phố, gắn với nó là một bờ biển dài, bãi biển rộng. So với Malaysia, Thái Lan thì ta không kém, còn so với Bali của Indonesia, bãi tắm tự nhiên của ta không bằng. Tuy nhiên, bãi biển của chúng ta rộng, dài (có lẽ thiên nhiên đã tạo cho con người cơ hội thi thố tài năng để đáp ứng nhu cầu của con người, của thời đại), đây cũng có thể coi là một lợi thế", vị cố Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo TPHCM trong bức thư.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 3

10 năm sau ngày thống nhất đất nước (tháng 4/1985), những dòng xe chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng băng băng lao trên những con đường đất sình lầy của huyện Cần Giờ - nơi duy nhất giáp biển của TPHCM. Những ngày ấy, tuyến đường cấp phối Rừng Sác được khởi công, đánh dấu bước chuyển mình sớm của huyện đảo từng anh dũng đi qua 2 cuộc kháng chiến.

Cách trung tâm TPHCM gần 50km, mảnh đất thép này từng là nơi hứng chịu nhiều bom, đạn, chất độc hóa học nhất của địa phương. Bằng sự quyết tâm, ý chí phi thường của người dân huyện đảo, hàng chục nghìn ha rừng bị xóa sổ bởi khói lửa chiến tranh đã vươn mình lớn dậy và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của cả thế giới sau này.

Tròn 16 năm sau, người dân huyện đảo Cần Giờ đón nhận niềm vui kép trong ngày toàn vẹn núi sông (30/4/2001), những chiếc băng khánh thành được cắt xuống, cây cầu Dần Xây (huyện Cần Giờ) chính thức được thông xe. Cùng thời điểm đó, bến phà Dần Xây - lối đi độc đạo đưa người dân xuyên qua cánh rừng Sác bạt ngàn ra biển - kết thúc sứ mệnh lịch sử sau 18 năm hoạt động.

Đến hiện tại, đoạn đường sỏi đá đã được nâng cấp thành đường nhựa 6 làn xe, khang trang hơn nhiều đoạn đường tại trung tâm thành phố, 8 cây cầu trên tuyến liên tiếp được nâng cấp, xây mới. Huyện Cần Giờ được kéo gần với khu nội đô TPHCM hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, một con đường hoàn chỉnh chưa thể đủ sức giúp Cần Giờ bước cùng nhịp với TPHCM và các địa phương xung quanh. Đường Rừng Sác đã đẹp, nhưng chỉ thưa thớt bóng xe qua lại. Người dân, du khách từ TPHCM muốn tới huyện đảo vẫn phải phụ thuộc vào những chuyến phà.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 5

Vấn đề cần xây một cây cầu lớn, kết nối Cần Giờ với phần còn lại của TPHCM đã được đặt ra từ năm 2015. Công ty Cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ, đơn vị đưa ra đề xuất, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của cầu Cần Giờ đối với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và hiệu quả của Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được phê duyệt trước đó.

Đến năm 2017, Thủ tướng đồng ý bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. Cây cầu có tổng chiều dài 7,3km, nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè, bắc ngang sông Soài Rạp.

Từ đó đến nay, dự án vẫn nằm yên trên trang giấy, Cần Giờ vẫn tách biệt với phần còn lại của đại đô thị. Theo thông tin mới nhất từ phía chính quyền thành phố, trong điều kiện thuận lợi, cầu Cần Giờ phải chờ đến năm 2024 mới có thể khởi công.

Trong bức thư gửi tới ban lãnh đạo TPHCM, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lưu ý địa phương về tầm quan trọng của việc kết nối huyện đảo với khu vực lân cận. Ngoài việc kết nối với địa bàn thành phố, nơi đây cần được đặt trong mối liên hệ tổng thể vùng và trở thành cửa ngõ giao lưu quốc tế.

"Về các công trình hạ tầng, cơ bản ta đã có điện lưới, đường sá và đặc biệt là chủ trương định hướng rất đúng: Mở rộng tuyến đường hiện nay, dự kiến bắc cầu nối liền từ Nhà Bè qua Bình Khánh. Những công trình dự kiến nếu không đồng thời xác định từ bây giờ sẽ dẫn tới thiếu đồng bộ, hiện tại đã không đáp ứng được nhu cầu", cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi lại thông điệp.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 7

Thời điểm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho các lãnh đạo TPHCM, cũng là lúc những phác thảo đầu tiên về ý tưởng một khu đô thị đa chức năng được địa phương này đưa ra bàn luận. Đến năm 2007, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chính thức được khởi công.

Theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu, dự án "trong mơ" của huyện Cần Giờ và cả TPHCM có quy mô 600ha, tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng, nằm tại xã Long Hòa. Với vị trí địa lý chỉ cách trung tâm thành phố gần 50km, nơi này được kỳ vọng sẽ phục vụ cho hơn 30.000 du khách, cư dân cùng một thời điểm.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 9

Sau gần 2 thập kỷ, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ vẫn chưa thể hình thành (Ảnh: D.T.).

Nhưng chỉ sau lễ khởi công toàn bộ khu vực của dự án gần như không có gì thay đổi. Sau những lần đổi chủ đầu tư, thoái vốn, dự án được UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch tăng lên thành 1.080ha nhằm thoát khỏi cảnh đình trệ.

Sự chuyển dịch gần đây nhất là tháng 6/2022, dự án được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tên dự án từ "Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ" được điều chỉnh thành "Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ". Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh của dự án là 217.054 tỷ đồng.

Ngoài những thay đổi trên giấy tờ, các văn bản pháp lý, người dân, du khách vẫn chưa thể tưởng tượng ra hình ảnh của một khu đô thị lấn biển khi đứng ngay trên nền đất của dự án. Một đoạn bờ biển được kè lại, bãi biển hoang tàn ngổn ngang những ụ đất, bụi cây là những nét phác thảo duy nhất của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 11

Ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên 2000, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đặt kỳ vọng cho Cần Giờ và dự án khu đô thị mới có thể giải quyết nhu cầu về nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của người dân TPHCM. Khu đô thị mới của huyện đảo còn có trách nhiệm và hậu phương vững chắc là 16 triệu dân của Đồng bằng Sông Cửu Long (thời điểm đó), chưa kể đến số lượng du khách quốc tế tăng lên không ngừng.

Theo vị cố Thủ tướng, phía bắc thành phố có địa đạo Củ Chi, phía đông có rừng Sác và khu đô thị tương lai cùng bãi biển Cần Giờ sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của các du khách khó tính nhất.

"Đứng trên nhiều giác độ, hiện tại, việc đáp ứng được nhu cầu này còn khoảng cách khá xa với thực tế", ông "Sáu Dân" nhìn nhận vào thời điểm đó. Và hiện tại, sau hơn 20 năm, thực tế của huyện Cần Giờ với những kỳ vọng trên vẫn còn khoảng cách rất xa.

Mang trong mình nhiều tài sản vô giá là hệ sinh thái rừng, đường bờ biển bao quanh, Cần Giờ được kỳ vọng là bàn đạp để TPHCM mở ra hướng phát triển vươn ra biển lớn. Thế nhưng, huyện đảo duy nhất của thành phố dường như ngủ yên trong cả thập kỷ qua, giấc mơ về một ngày vươn ra biển vẫn dang dở với một cây cầu lớn chưa hoàn thiện, một dự án lấn biển chưa định ngày hình thành và tiềm năng du lịch chưa thể khai phá.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 13

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kể lại, ông từng có rất nhiều chuyến thăm huyện Cần Giờ từ thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn đến nay. Sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền TPHCM cho huyện duy nhất giáp biển là điều được thấy rõ qua từng thời kỳ.

"Tôi thấy được sự phát triển, sự thay đổi diện mạo đô thị. Sự chuyển biến ấy diễn ra ngay tại khu vực còn là nông thôn, kể cả xã đảo Thạnh An", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 15

Vị chuyên gia cũng phân tích, ý tưởng "TPHCM hướng ra biển" là điều được đề cập tới trong quãng thời gian dài. Tuy nhiên lâu nay, khi nói về kinh tế biển tại TPHCM, người ta chỉ nghĩ đến dự án đô thị du lịch sinh thái lấn biển Cần Giờ.

"Tôi đồng ý nếu dự án thành công, thành phố sẽ thu hút đầu tư rất mạnh. Nhưng, một điều kiện mang tính tiên quyết để tạo ra sự thành công ấy là thành phố phải xây dựng cầu Bình Khánh nối Cần Giờ với Nhà Bè. Cây cầu mang ý nghĩa rất quan trọng là rút ngắn thời gian di chuyển giữa vùng đất liền của TPHCM với huyện đảo", ông Trần Du Lịch phân tích.

Theo Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Cần Giờ là một trong những khu vực ven biển cần phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Đồng thời, Cảng trung chuyển quốc tế của cả nước sẽ được đặt tại huyện đảo này.

"Theo tôi biết, TPHCM đang chủ động cùng Bộ GTVT và các đơn vị làm dự án tiền khả thi trình Chính phủ về Cảng trung chuyển quốc tế. Khi cảng lớn này hình thành cùng với dự án khu đô thị lấn biển và những công trình lớn khác đang dự kiến, ý tưởng phát triển kinh tế biển tại huyện Cần Giờ mới được xem là tương đối toàn diện về mặt hàng hải, đô thị biển", ông Trần Du Lịch nêu góc nhìn.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 17

TS Trần Du Lịch nhận định, khi các cảng trung chuyển, cảng hành khách được đặt tại huyện Cần Giờ, địa phương còn có thêm sức bật để khai thác du lịch tại vùng sinh thái rừng ngập mặn khi lượng khách rất lớn đổ về. Hiện tại, lĩnh vực du lịch tại huyện Cần Giờ được đánh giá là còn nhỏ lẻ, chưa bài bản, chưa có tầm cỡ, chưa khai thác được lợi thể của khu dự trữ sinh quyển và hệ sinh thái tự nhiên.

"Dĩ nhiên, tất cả các hoạt động du lịch hiện tại và trong tương lai ở Cần Giờ phải dựa trên cơ sở bảo tồn nghiêm ngặt rừng ngập mặn. Khi mất đi điều đó, Cần Giờ sẽ không còn lợi thế, cả vùng cũng mất đi lá phổi xanh", ông Lịch nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch cũng cho biết, ông từng tham gia đóng góp cho chương trình phát triển của huyện đảo Cần Giờ. Ông đã lưu ý với huyện về việc, trong cả phát triển đô thị lẫn phát triển kinh tế, người dân Cần Giờ phải là những người đầu tiên được hưởng lợi, huyện cần chú trọng đến tạo sinh kế mới cho người dân đang sinh sống tại đây.

"Ví dụ, họ có thể chuyển đổi ngành nghề, hoạt động ở các lĩnh vực sẽ phát triển tại Cần Giờ. Những người đang "mò cua, bắt ốc" hiện tại có thể trở thành nhân viên, công nhân tại cảng quốc tế, hoặc làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ sau này", ông Lịch đưa ra quan điểm.

Để làm được điều đó, TPHCM và huyện Cần Giờ cần tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, cần một chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề một cách bài bản gắn với bố trí việc làm, phân bổ dân cư. Trong các chương trình, định hướng phát triển, phúc lợi, điều kiện sống của người dân Cần Giờ cần đặt lên hàng đầu.

Dễ nhận thấy, giấc mơ về một nền kinh tế vươn ra biển lớn của TPHCM, với bàn đạp là huyện đảo Cần Giờ, còn khoảng cách khá xa so với thực tại. Bên cạnh đó, nguồn lực TPHCM cần bỏ ra để hiện thực hóa giấc mơ cũng vô cùng lớn.

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 19

Với tầm nhìn vượt thời đại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra thông điệp cho huyện Cần Giờ và các cấp lãnh đạo thành phố trong bức thư đầu thập niên 2000. Theo đó, nếu chỉ trông chờ từ nguồn vốn ngân sách, khả năng thực thi của TPHCM sẽ gặp khó.

"Bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào để huy động được nguồn nội lực. Theo tôi, về mặt này (nhân tài, vật lực), tiềm năng của thành phố chúng ta còn rất lớn, vấn đề là biến những tiềm năng này thành hiện thực như thế nào", cố Thủ tướng gửi gắm.

Ông "Sáu Dân" cũng dẫn chứng ví dụ về việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia đồng hành phát triển du lịch tại Quảng Ninh. Gần với TPHCM, dự án lấn biển tại Kiên Giang cũng là một ví dụ để thành phố học hỏi.

"Tôi muốn nói thêm với các đồng chí, về mặt tiềm năng, Quảng Ninh, Kiên Giang không thể so sánh với thành phố. Vấn đề là đánh thức, khơi dậy được nguồn tiềm năng khá dồi dào này. Đây chính là bài toán cho các nhà quản lý chúng ta", cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong bức thư.

Bài 2: Tuyến đường 6 làn băng rừng già vươn ra biển lớn của TPHCM

Bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và giấc mơ vươn ra biển của TPHCM - 21

Nội dung: Q.Huy - Phương Nhi

Thiết kế: Thủy Tiên