1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Bông hồng Bác tặng là đóa hoa đẹp nhất”

(Dân trí) - Lần đầu tiên gặp Bác Hồ và cũng là lần duy nhất trong đời, dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Quảng Thu được Người tặng cho một bông hoa hồng. Đối với ông Thu, đó là đóa hoa đẹp nhất mà ông có được trong cuộc đời này.

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Quảng Thu (sinh 1952, trú đường Nguyễn Đình Tứ, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để nghe ông kể về những ký ức trong lần đầu tiên và cũng là duy nhất vinh dự được gặp Bác Hồ.

Trong căn nhà của mình, "báu vật" để đời của cựu dũng sĩ này là tấm ảnh Bác Hồ tặng bông hồng khi ông từ Quảng Nam ra Bắc học tập. Tấm ảnh ấy luôn được ông nâng niu, trân trọng và lấy ra “khoe” khi có ai nhắc đến Bác Hồ.

“Bông hồng Bác tặng là đóa hoa đẹp nhất” - 1

Ông Hồ Quảng Thu kể lại việc được gặp Bác Hồ

Cậu thanh niên Hồ Quảng Thu quê ở xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 13 tuổi, Thu làm giao liên rồi đi du kích và 4 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Bà con trong xã gọi yêu anh chàng là “thằng phá làng”, bởi sau mỗi lần lấy trộm vũ khí, diệt Mỹ, địch lại tức giận lại kéo đến lùng sục và trấn áp nhà dân.

Kỳ tích đốt kho xăng của địch ở đồn Bồ Bồ vào năm 1967 từ sự thông minh, quả cảm của Thu đã gây cho địch tổn thương nặng nề.

“Bông hồng Bác tặng là đóa hoa đẹp nhất” - 2

Đoàn dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam (Hồ Quảng Thu mặc áo ghi-lê màu đen) chụp ảnh cùng Bác Hồ 

Chiến công này cũng đã được nhà thơ Trinh Đường ca ngợi trong tập truyện thơ “Phượng Hoàng con” (1970) giới thiệu những gương chiến đấu vô cùng gan dạ, mưu trí của dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam.

Tháng 10/1968, Thu cùng các bạn trong đoàn dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam được đưa ra Bắc học tập. Sau hơn 2 tháng từ Quảng Nam ra, Thu và các bạn trong đoàn mới được gặp Bác Hồ.

“Hôm đó là 20/12/1968, kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Các chú nói với chúng tôi: các cháu mặc quần áo vào rồi có xe đến đón. Chúng tôi lên xe nhưng không biết đi đâu, đến khi thấy xe chạy vào Ba Đình. Bác Phạm Văn Đồng lên đọc khai mạc buổi lễ. Sau đó, Bác Hồ đi ra vẫy tay chào mọi người. Lúc đó, mọi người ai nấy vui mừng đứng dậy vỗ tay chào đón Bác. Người ra hiệu tất cả ngồi xuống. Khi được biết có các cháu dũng sĩ miền Nam, Bác vui vẻ đưa tay vẫy: Đoàn dũng sĩ tí hon lên đây với Bác! Chỉ chờ có vậy, tất cả chúng tôi như đàn chim ùa lên quây quần quanh Người”, ông Thu rưng rưng nhớ.

“Bông hồng Bác tặng là đóa hoa đẹp nhất” - 3

Bác Hồ tặng bông hồng cho Hồ Quảng Thu. Đối với Hồ Quảng Thu, đây là đóa hoa đẹp nhất mà ông có được

Bác ôm hôn từng cháu rồi rút những bông hoa hồng trong lẵng hoa đặt trên bàn trao tặng các dũng sĩ nhí. Hồ Quảng Thu đã may mắn có mặt trong tấm ảnh xúc động ấy khi phóng viên bấm máy.

Bác nói: “Các cháu đánh Mỹ giỏi nhưng các cháu chưa được học hành. Giờ Bác đưa các cháu vào quân đội đào tạo để sau này xây dựng đất nước”. Rồi Bác căn dặn: "Các cháu về điều trị bệnh, ăn no, học giỏi. Tết Bác gọi lên!".

"Từ miền Nam khói lửa chiến trường ra Bắc, chúng tôi có mong muốn lớn nhất là được gặp Bác. Điều đó đã thành sự thật. Được gặp Bác, thấy Người giản dị mà mà xúc động vô cùng. Bông hồng Bác tặng tôi đã giữ rất lâu. Đó là đóa hoa đẹp nhất tôi có được trong cuộc đời này", ông Thu vẫn chưa quên được cảm giác hạnh phúc khi được gặp Bác.

“Bông hồng Bác tặng là đóa hoa đẹp nhất” - 4

Mỗi lần xem lại tấm ảnh được Bác Hồ tặng bông hồng, ông Hồ Quảng Thu luôn rưng rưng xúc động

Đúng như lời hẹn, đến Tết, Bác gọi đoàn dũng sĩ miền Nam lên nhưng lúc đó Hồ Quảng Thu đang phải điều trị bệnh sốt rét nên không thể đi được. Ông tiếc vô cùng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học quân sự, Hồ Quảng Thu về công tác tại Quân khu 5. Được một thời gian, ông chuyển ngành. Thế nhưng dù làm gì, ở đâu, những lời dặn dò của Người luôn được ông Thu khắc ghi trong lòng.

Câu nói của Bác Hồ: “Giờ Bác đưa các cháu vào quân đội đào tạo để sau này xây dựng đất nước” luôn theo ông suốt cuộc đời. Làm trưởng phòng quản lý kho một công ty, ông khẳng định đã "vượt chính mình", giữ đạo đức trong sáng như lời Bác dạy. Ngay cả bây giờ, do biến cố gia đình, cuộc sống của ông chưa hết khó khăn nhưng ông vẫn luôn sống lạc quan, trân trọng ngày hôm qua.

Khánh Hồng