Bình Định:
Bộ trưởng TN-MT nói về việc nhận chìm 439.000 m3 bùn xuống biển Quy Nhơn
(Dân trí) - “Nạo vét luồng lạch cảng Quy Nhơn là việc cần phải làm, nhưng trong quá trình làm phải đánh giá tác động môi trường, có quy hoạch, điều tra, khảo sát khu vực nhận chìm… Cấm nhận chìm ở khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định.
Ngày 7/11, trao đổi với báo chí xung quanh việc đề xuất nhận chìm 439.000 m3 bùn, cát từ việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn ra biển Quy Nhơn (Bình Định), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Quá trình nạo vét luồng lạch cảng biển là cần thiết, cần phải làm nhưng phải thận trọng. Không riêng các cảng biển Việt Nam, các nước trên thế giới đều phải thực hiện khâu đoạn này, nạo vét và nhấn chìm vật chất nạo vét. Song, cần tính toán tất cả các mục tiêu để đảm bảo lợi ích môi trường và nhiều lĩnh vực khác”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần phải phân biệt đây không phải là chất thải mà là dạng phù sa, bùn cát, cũng là một trầm tích của biển, thì nhu cầu nạo vét luồng lạch cho tàu bè ra vào là bắt buộc.
“Vấn đề ở đây là việc triển khai thế nào? Địa phương, các đơn vị chức năng phải đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, có quy hoạch, điều tra, khảo sát khu vực nhận chìm xem có đa dạng sinh học gì? Có phải là đối tượng được bảo tồn hay không? Trong quá trình nhấn chìm phải luôn luôn giám sát tác động của nó. Bên cạnh bảo tồn, phải tính toán các mục đích khác như nuôi trồng thủy sản, khu bảo vệ thủy sản…” - Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm: “Cho đến bây giờ, các nước phát triển trên thế giới thì vấn đề nạo vét, nhận chìm các vật chất lấy từ trầm tích biển là điều bình thường. Trên thực tế, nhiều nước còn nhận chìm cả chất thải nguy hại. Nhưng những chất thải đó được sử dụng các biện pháp để cứng hóa, bê tông hóa hoặc cô lập hóa hoàn toàn và xác định vị trí nhận chìm là ở đâu?”.
“Bùn đất nạo vét này cũng là một dạng tài nguyên, vấn đề là chúng ta sử dụng nó thế nào? Trong trường hợp chúng ta tìm được một khu vực có mục tiêu lấn biển, san lấp bờ biển thì kết hợp là tốt nhất”- Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, từ khi có cảng thì cứ 2 năm một lần nạo vét luồng lạch. Đây là việc làm thường xuyên được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, nghiên cứu đánh giá cụ thể.
Như đã thông tin, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm khối lượng dự kiến ban đầu hơn 439.000 m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 - theo quy định tối thiểu 2,5 km từ bờ biển trở ra.
Sau khi nhận được đề xuất này, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể, trước khi đưa ra quyết định cấp phép.
Doãn Công