1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Nhận chìm bùn cát xuống biển Quy Nhơn: Lo ngại ảnh hưởng môi trường du lịch

(Dân trí) - Không chỉ chuyên gia nghiên cứu về biển bày tỏ quan ngại mà những người làm du lịch cũng tỏ ra lo ngại việc nhận chìm bùn, cát xuống biển Quy Nhơn, bởi điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường biển ở Bình Định.

Ngày 2/11, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Miền Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết, việc nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có cảnh quan, môi trường biển Quy Nhơn.

Trước đây, biển Quy Nhơn xuất hiện xà bần vì dự án lấn biển khiến chính quyền địa phương phải huy động nhiều nhân công để dọn sạch bãi biển.
Trước đây, biển Quy Nhơn xuất hiện xà bần vì dự án lấn biển khiến chính quyền địa phương phải huy động nhiều nhân công để dọn sạch bãi biển.

“Việc nhận chìm bùn, cát chắc chắn tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Thứ nhất là đến môi trường, đặc biệt là môi trường đáy, các loại thủy hải sản tầng đáy khu vực đó. Đặc biệt, vùng biển Quy Nhơn là nơi sinh sống của rất nhiều loài tôm, cá... vì vậy khi thay đổi môi trường sẽ gây hại đến nguồn lợi thủy sản. Thứ hai là đối với môi trường du lịch, đổ bùn ở khu vực xa bờ có tác động rất lớn, khiến biển Quy Nhơn thiếu đi độ trong. Vì bùn thường ở khu vực ven biển cửa sông, bây giờ đưa ra xa thì biển Quy Nhơn chắc chắn sẽ đục liên tục. Chỉ cần hơi có sóng nhỏ là biển sẽ bị đánh đục, cảnh quan môi trường ảnh hưởng rất lớn”- ông Trung nêu quan điểm cá nhân.

Ông Trung cho rằng, việc đưa bùn ra xa thì sóng biển sẽ đẩy bùn vào các vùng biển ven bờ theo chiều gió và theo dòng biển. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến các vùng biển như: Hải Giang, Nhơn Hải, Nhơn Lý, hay xuống phía Nam sẽ ảnh hưởng đến khu vực biển Ghềnh Ráng, Bãi Xép (Bình Định), hay khu vực Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).

“Tất cả những bãi biển nào mà nước trong xanh nhìn thấy cát, rõ ràng đó là “thiên đường biển”. Hiện nay TP Quy Nhơn đang sở hữu rất nhiều bãi biển có giá trị tài nguyên lớn như vậy. Độ trong của biển là là giá trị tài nguyên đặc biệt, vô cùng quý giá mà vùng đất Bình Định nắm giữ, nên cần phải thận trọng khi nhận chìm bùn, cát ra biển Quy Nhơn. Tác động của việc nhận chìm này không phải là một ngày hai ngày mà cả về lâu về dài. Nếu là cát sạch thì là câu chuyện khác nhưng đây là bùn nên ảnh hưởng rất lớn. Nếu xảy ra sự cố thì việc khắc phục là không thể vì chẳng ai lại tiếp tục đi múc bùn dưới đáy để đổ chỗ khác”- ông Trung bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TSKH Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cũng đã đưa ra lời cảnh báo: “Việc nhận chìm bao giờ cũng phải có tác hại nhưng đây cũng là hoạt động kinh tế. Việc nhận chìm phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình và phải xác định lợi ích chung của tỉnh của nhân dân”.

Như Dân trí đã thông tin, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm khối lượng dự kiến ban đầu hơn 439.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 - theo quy định tối thiểu 2,5km từ bờ biển trở ra.

Sau khi nhận được đề xuất này, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể, trước khi đưa ra quyết định cấp phép.

Doãn Công