Bình Định:
Vụ đề xuất đổ 439.000m3 bùn, cát xuống biển Quy Nhơn: Chuyên gia cảnh báo!
(Dân trí) - “Trên thế giới họ cũng chôn xuống biển, thậm chí là chất độc, nhưng phải chặt chẽ. Nhưng chúng ta đừng nghĩ biển rộng mênh mông, đổ vài triệu mét khối ra biển sẽ chẳng vấn đề gì. Nếu không thực hiện đúng quy trình, thì không chỉ Bình Định, Phú Yên bị ảnh hưởng, thậm chí Khánh Hòa”, chuyên gia khoa học về biển cảnh báo.
Đừng nghĩ lấy tiền đền bù ô nhiễm
Ngày 1/11, trao đổi với báo chí xung quanh việc xét đề xuất nhận chìm 4390.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định), PGS. TSKH Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khẳng định: “Việc nhận chìm bao giờ cũng phải có tác hại nhưng đây cũng là hoạt động kinh tế. Do đó, quốc tế có hướng dẫn 2 tài liệu để tránh tai hại, phát triển được mặt ưu thế về kinh tế thì phải thực hiện đúng quy phạm 2 tài liệu này. Vấn đề là ở Bình Định có đội ngũ để ngồi thực hiện những chuyện này hay không. Trước khi cấp phép, nếu cần phải chạy thử nghiệm mô hình. Phải có cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, sau đó tỉnh cần có văn bản đưa cho nhà khoa học có kinh nghiệm để phân tích vấn đề”.
Theo PGS An, việc nhận chìm phải được thực hiện bài bản, đúng quy trình. Thứ nhất cần xem xét, điều tra địa điểm nhận chìm có gì và nó ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Thứ hai thời điểm nhận chìm khi nào nó tác động đi đâu. Thứ ba dùng công nghệ gì nhấn chìm ra sao, đem ra biển đổ cho trôi hay gói lại…
“Quốc tế làm rất rõ nhưng ở Việt Nam thì khác. Vì tiết kiệm tiền mà cứ nghĩ nhận chìm là vác ra đổ ở biển, ai chết thì người đó chịu. Tôi nghe nói đổ cách biển 2,5km, có thể đổ cách biển vài trăm mét nhưng có khi đổ cách biển cả trăm km, tùy thuộc vào nghiên cứu. Tóm lại, ở đây phải có nghiên cứu và khẳng định thiệt hại. Nếu có lợi 10 phần, thiệt hại 1 phần thì mới làm, rồi lấy cái lợi đó bù thiệt hại cho người dân. Còn hại 10 nhưng lợi chỉ 1 thì dứt khoát không làm. Việc đơn giản nhất, chúng ta phải xem vùng nhận chìm đó có lồng bè, nuôi cá không? Dòng chảy có đưa vào khu du lịch không? Vì nếu ở đây 2,5km thì dòng chảy đưa vào bờ chỉ vài phút thôi”, ông An cảnh báo.
Ông An cho rằng, vì phát triển kinh tế thì không thể thực hiện việc nhận chìm ở biển, nhưng đây là vấn đề rất “nhạy cảm”. Ở các nước trên thế giới họ vẫn làm, thậm chí là chôn cả chất độc, nhưng cách làm bài bản, đúng quy trình, làm vì mục tiêu dân sinh nên được người dân ủng hộ.
“Ở nước ta, họ hay nói có gì tôi lấy tiền để đền bù, nhưng đối với môi trường tuyệt đối không bàn đến chuyện lấy tiền ra để đền bù. Nếu vì tiền là chết, tiền gây rối loạn xã hội. Các nước khác khi xử lý, họ không chỉ xử lý người trực tiếp gây ra ô nhiễm mà còn xử cả người ký quyết định. Tất cả những người góp tay tạo ra sự cố đó đều sẽ bị trừng trị theo pháp luật”, tiến sĩ An cho hay.
Xác định lợi ích của chung
Trước dư luận đang băn khoăn về đề xuất nhận chìm 4390.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định), PGS Nguyễn Tác An đưa ra lời khuyên: “Trước khi cấp phép nhận chìm, phải nghiên cứu, đánh giá thật rất kỹ vùng biển. So sánh việc moi bùn thải lên thì ngành giao thông vận tải được lợi bao nhiêu và việc di chuyển thải ra khu vực biển khác thì hại bao nhiêu, ai chịu. Đơn vị thực hiện việc nhấn chìm có kinh nghiệm và đã thực hiện nhấn chìm ở Việt Nam chưa? Chúng ta đừng nghĩ đơn giản biển rộng mênh mông, thải vài triệu mét khối ra biển sẽ có vấn đề gì”.
PGS Nguyễn Tác An cho rằng: “UBND tỉnh Bình Định phải có cơ quan tư vấn, đánh giá tác động dự án rõ ràng và công khai cho nhân dân biết. Phải xác định đây là ích cho nhân dân, vì sự phát triển chung của Bình Định hay lợi ích cho doanh nghiệp. Nếu vì quyền lợi chung thì nhân dân cũng sẽ đồng tình. Bởi nếu bị ảnh hưởng thì không chỉ riêng biển Bình Định “chết” mà các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, thậm chí Khánh Hòa cũng bị ảnh hưởng”.
Doãn Công