Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Quốc phòng đề xuất tỉnh quyết danh sách công dân gọi nhập ngũ

Hoài Thu

(Dân trí) - Chính phủ đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định danh sách công dân được gọi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, danh sách tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ... từ cấp huyện lên cấp tỉnh.

Đây là một trong những sửa đổi quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan lĩnh vực an ninh quốc phòng trình Quốc hội sáng 11/6.

11 luật được sửa đổi, bổ sung gồm: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan lĩnh vực quân sự, quốc phòng là hết sức cần thiết, vì Hiến pháp 2013 đang được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều với phạm vi liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Quốc phòng đề xuất tỉnh quyết danh sách công dân gọi nhập ngũ - 1

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, trình Quốc hội tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo đó, dự kiến đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp gồm: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Tổ chức quân đội cũng đã được sắp xếp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, hiệu lực bảo đảm phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp.

Dự thảo luật gồm 12 điều, trong đó có 11 điều sửa đổi, bổ sung 11 luật và 1 điều về hiệu lực thi hành.

Liên quan nội dung sửa Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết dự thảo đề xuất chuyển thẩm quyền của cấp huyện lên cấp tỉnh với các nhiệm vụ: Thành lập Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, danh sách tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ.

Việc công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; tổ chức bàn giao quân cho các đơn vị, cũng được đề xuất chuyển thẩm quyền từ cấp huyện lên cấp tỉnh.

Cũng theo Bộ trưởng, một số thẩm quyền của cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã như: Kiểm tra sức khỏe hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; ra lệnh gọi công dân (đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, sơ tuyển và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân).

Việc đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự, giải ngạch với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị…, sẽ do Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực quyết định. Hiện nội dung này, thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết dự thảo đề xuất bỏ một số chức danh Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định gọi đào tạo sĩ quan dự bị và gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với cán bộ, công chức, hạ sĩ quan dự bị cư trú tại địa phương.

Bộ trưởng Quốc phòng đề xuất tỉnh quyết danh sách công dân gọi nhập ngũ - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới (Ảnh: Phạm Thắng).

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết ủy ban này tán thành sự cần thiết ban hành cũng như nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực là đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, hiện nay chưa rõ về cơ cấu chỉ huy, lãnh đạo. Do đó, có ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị cân nhắc chưa quy định cụ thể chức danh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực và nên rà soát, bổ sung sau khi có quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy của Ban chỉ huy phòng thủ khu vực.