1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Lê Hồng Anh gặp “khó” vì những vụ án nhạy cảm

(Dân trí) - Cảm nhận của nhiều đại biểu là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an chưa thực sự thuyết phục và để lại nhiều băn khoăn cho cả người chất vấn và đông đảo cử tri theo dõi phiên chất vấn này.

Là người “khai đàn” trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp QH kỳ này, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh nhận được rất nhiều câu chất vấn khó về những vụ án nổi cộm trong thời gian qua.

 

Vẫn đang xem xét trường hợp tướng Cao Ngọc Oánh

 

Vấn đề thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong thời gian qua là vụ PMU18 được đại biểu Nguyễn Xuân Hướng sớm đặt lên bàn chất vấn: "Vụ PMU18 là do cơ quan CSĐT có kế hoạch hay tình cờ bắt vụ đánh bạc ở vườn Bách Thảo. Nếu không có vụ đánh bạc này, tiếp theo phát hiện ra Bùi  Tiến Dũng đánh bạc cả triệu đô la thì liệu có truy ra vụ tham nhũng ở PMU18 hay không? rồi việc một số cán bộ điều tra có liên quan đến vụ án đã làm rõ hay chưa?”

 

Bộ trưởng Lê Hồng Anh trả lời: “Vụ này kết hợp từ hai nguồn, cơ quan điều tra phát hiện lập án và những thông tin tố cáo từ quần chúng.

 

Khi làm rõ vụ cá độ bóng đá thì mới rõ ra vụ tiêu cực ở PMU18. Về sự liên quan của công an với PMU 18, một số đơn vị công an mượn xe nhưng là để phục vụ công tác và đã trả lại. Ngoài ra, một số công an có liên quan đã bị khởi  tố hoặc đình chỉ công tác để kiểm điểm.” Bộ trưởng Lê Hồng Anh cũng đưa ra bản danh sách các đơn vị mượn xe và hứa sẽ gửi cho các đại biểu vì danh sách dài quá.

 

Về trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Bộ trưởng nói đang chỉ đạo Tổng cục cảnh sát xác định rõ vấn đề. “Thường vụ đảng ủy công an TW đã thành lập tổ kiểm tra để xử lý. Nếu điều tra có vi phạm sẽ xử lý theo đúng pháp luật”

 

Về thủ tục bào chữa cho bị can, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đặt câu hỏi: "Luật Hình sự cho phép luật sư tiếp xúc với bị can ngay từ giai đoạn điều tra. Nhưng  giới luật sư than phiền gặp khó khăn trong việc tiếp xúc này?".

 

Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh đây là vấn đề  mới, việc tham gia của luật sư ngay từ giai đọan điều tra, ngành công an, tòa án và VKS đã có trao đổi, hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên vẫn còn vướng  mắc. Bộ trưởng hứa sẽ có hướng dẫn chi tiết để thực hiện cho tốt.

 

Phải chăng có “vùng cấm”?

 

Vụ việc được nhiều đại biểu tập trung chất vấn nhất là vụ kho cảng Thị Vải. Đại biểu Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) mở màn bằng câu chất vấn gay gắt: “Bộ trưởng nói một số lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí có dấu hiệu phạm tội hình sự, nhưng vì các vị này đã nghỉ hưu, tuổi cao, có nhiều đóng góp nên cơ quan công an đề nghị xử lý hành chính. Bộ luật Hình sự không qui định là  đã nghỉ hưu, tuổi cao, có đóng góp thì không cấu thành tội phạm. Nếu cứ có “vùng cấm” như thế liệu có đáp ứng nhiệm vụ chống tham nhũng trong điều kiện hiện nay hay không?”

 

Trình bày những  khó khăn khi xử lý vụ này, Bộ trưởng cho rằng ngoài luật còn có Nghị định, thông tư hướng dẫn và nhiều quy định khác nên nếu nói luật không thì cũng khó. Bộ trưởng cũng khẳng định việc cơ quan điều tra đề nghị không truy tố là quyền của cơ quan điều tra, còn quyết  định là của VKS, Tòa án. Câu trả lời này của Bộ trưởng khiến hội trường ồn ào, nhiều đại biểu tỏ vẻ không hài lòng.

 

Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An không thoả mãn. Ông nói: Bộ có quyền đề nghị nhưng quyền phải theo pháp luật, đúng pháp luật, quyền mà không đúng pháp luật sẽ mất lòng tin, không phải có quyền là muốn làm gì cũng được. “Tuổi cao, nghỉ hưu, có cống hiến là yếu tố giảm nhẹ chứ không loại trừ”, Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định.

 

Đại biểu Thuyết tiếp tục chất vấn: Bộ Công an thống nhất với VKS TC đề nghị xử lý hành chính với các vị lãnh đạo Tổng công ty dầu khí dù đã kết luận có dấu hiệu phạm tội, đề nghị ấy căn cứ theo điều luật nào, văn bản nào? Bộ và VKS đã đề nghị xử lý hành chính những ai?

 

Bộ trưởng Lê Hồng Anh tiếp tục khẳng định việc đề nghị xử lý hành chính là quyền của cơ quan điều tra, cũng như quyền của một công dân. Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết gay gắt: “Công dân có thể do hiểu biết pháp luật có hạn nên đề xuất không đúng pháp luật, còn cơ quan nắm pháp luật trong tay không thể đề xuất không có căn cứ pháp luật”.

 

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) hỏi tiếp: Vậy việc xử lý những cá nhân này đến đâu? Liệu có phải xử lý theo kiểu “trên nhẹ, dưới nặng” hay không?

 

Bộ trưởng Lê  Hồng Anh nói tránh việc xử lý những cá nhân sai phạm ở ngành dầu khí nên để cơ quan do Thủ tướng chỉ đạo xử lý trả lời thì rõ hơn, hiện ông chưa nắm được việc xử lý đến đâu.

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn về vụ Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm bỏ quên cặp có rất nhiếu tiền ở sân bay: “Bộ trưởng trả lời sau kiểm tra, kết luận, nếu có dấu hiệu tham nhũng Bộ công an mới điều tra. Sao đồng chí Phó chủ nhiệm VPCP lại có qui định riêng? Nếu đã có kết luận thì cần gì đến công an nữa? Liệu như vậy chúng ta có chủ động đấu tranh chống tội phạm hay không?”

 

Bộ trưởng Lê Hồng Anh nói việc bỏ quên va li tiền của ông Nguyễn Văn Lâm, Văn phòng Chính phủ đã có công văn và có kết luận của UB Kiểm tra Trung ương. Còn việc tại sao cơ quan điều tra công an không vào cuộc là do chưa nhận được văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản quản lý cán bộ.

 

Bao giờ thì hết mãi lộ

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng chuyển hướng vấn đề và đặt câu hỏi: “Nhân dân không hài lòng với cảnh cảnh sát giao thông nhận mãi lộ. VTV còn quay được cả hình trực tiếp. Bộ trưởng có quyết sách gì để chấm dứt tình trạng mãi lộ của CSGT?”.

 

Bộ trưởng Lê Hồng Anh công nhận  đây là tình trạng nhức nhối, lãnh đạo bộ đã bàn nhiều lần, đã đề ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của CSGT. Ông cũng cho biết 6 tháng đầu năm 2006, đã xử lý trên 300 cảnh sát giao thông nhận mãi lộ, tước danh hiệu trên 40 người, một số khác cũng đã bị cảnh cáo hoặc chuyển qua làm việc khác.

 

"Thưa với Quốc hội, mãi lộ chưa hết, chưa như mong muốn. Hy vọng sẽ dần khắc phục được tình trạng này", Bộ trưởng thấp giọng.

 

Kết thúc phần chất vấn, đại biểu Hoàng Thiện Cát hỏi : "Vụ tai nạn tàu E1 tại Lăng Cô phải chăng cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm, nhiều gia đình nạn nhân bất bình vì nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do quy định của ngành đường sắt, việc chỉ xử lý lái tàu là không công bằng?” Bộ trưởng Hồng Anh không trả lời mà “chuyền” sang cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

Ngay sau đó, tới lượt Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình trả lời chất vấn.

 

Đức Hòa