1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng nếu không hình thành sớm đường vành đai 3, 4 thì giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn. TPHCM là đô thị lớn nhất và cũng là nơi ùn tắc giao thông lớn nhất. Theo ông, đường vành đai, cao tốc là lối ra cho thành phố, nếu không phát triển giao thông, tăng trưởng kinh tế của TPHCM sẽ bị chậm dần và bão hòa.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói về giao thông TPHCM

Cao tốc, đường vành đai là lối ra cho TPHCM

Chiều 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM.

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, phần lớn diện tích TPHCM đã đô thị hóa nên phải có hệ thống đường vành đai, cao tốc. 

“Thành phố muốn phát triển phải có đường vành đai, cao tốc và hướng tâm để tăng tính kết nối. Đường vành đai và cao tốc là lối ra cho thành phố. Nếu không phát triển giao thông thì tăng trưởng kinh tế TPHCM sẽ bị chậm dần và bão hòa”, ông Thể nói.

Bộ trưởng Thể cho biết, TP có 5 quốc lộ hướng tâm nhưng mặt đường đều nhỏ hẹp, chủ yếu là 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Theo quy hoạch đường quốc lộ 50 có 6 làn xe, những đường quốc lộ còn lại từ 8-10 làn xe nhưng hiện nay đầu tư nâng cấp theo quy hoạch rất khó, vì cư dân đông, cơ sở kinh doanh, sản xuất nhiều.

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 2
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng TPHCM không thể thiếu đường cao tốc, vành đai

“Làm thì tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì cư dân đã ổn định thời gian dài. Theo quy hoạch, thành phố có 4 đường vành đai nhưng hiện nay mới làm đường vành đai 2 với hơn 54km. Hiện nay, đường vành đai 3, vành đai 4 cực kỳ quan trọng, nếu không làm sớm thì giao thông thành phố vô cùng hỗn độn. Phương tiện đi đường xuyên tâm sẽ rất khó khăn, kẹt xe ngày càng nặng”, ông Thể nói.

Theo Bộ trưởng Thể, các tuyến đường vành đai giúp thành phố có thêm động lực phát triển và  kết nối với các tỉnh miền Đông, miền Tây.

Một lý do khác, theo Bộ trưởng GTVT, cần làm sớm đường vành đai là bởi càng để lâu thì chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng càng lớn. Nếu đợi khi có vốn mới làm thì giải phóng mặt bằng sẽ lên 5.000-7.000 tỷ đồng chứ không phải 3.000 tỷ đồng như hiện nay. 

“Đường vành đai 3, 4 chắc chắn phải làm, giải phóng mặt bằng cực kỳ quan trọng. Chờ có vốn mới giải phóng mặt bằng thì chi phí sẽ cao. Kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, tham mưu Chính phủ để TP ứng 3.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Nếu không có mặt bằng sạch thì xây dựng các dự án khó khăn, giải phóng mặt bằng trước rất phù hợp”, ông Thể nói.

 Riêng về đường cao tốc, TPHCM được quy hoạch 6 cao tốc kết nối với các tỉnh nhưng mới có 2 tuyến TPHCM – Trung Lương và TPHCM – Long Thành. Nhưng cả 2 tuyến này hiện đều quá tải.

“Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông gấp rút triển khai, dự kiến cuối năm 2020, hoặc đầu năm 2021 sẽ khép kín tuyến đường này. Ba tuyến còn lại là TPHCM - Tây Ninh, TPHCM - Chơn Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu”, ông Thể thông tin.

Ông Thể cho biết đang phối hợp với các địa phương để triển khai các tuyến đường vành đai nhưng vấn đề khó nhất là kinh phí. 

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe nhiều ý kiến của các bộ, ngành về đầu tư phát triển giao thông cho TPHCM

Tư lệnh ngành giao thông cho rằng TPHCM là đô thị lớn nhất nước, đông dân nhất nước và cũng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất nước. Việc này gây lãng phí, ảnh hưởng sự phát triển, môi trường đầu tư. 

Bên cạnh đó, ông Thể cho rằng TPHCM không thể không có metro. Ông đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu để ứng vốn cho thành phố hoặc cho thành phố tự ứng vốn ngân sách để đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ dự án. 

“Việc TP xin tạm ứng ngân sách làm metro là phù hợp, nếu không ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Tôi cũng đề nghị cần có giải pháp sớm hoàn chỉnh hệ thống metro, vì metro mang lại giá trị, hiệu quả khi có nhiều tuyến chứ không chỉ đơn lẻ 1-2 tuyến”, ông Thể nói.

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ có hội nghị riêng về kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây

Lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng GTVT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vấn đề giao thông tại TPHCM đang rất cấp bách. Do đó, ông đã bàn với lãnh đạo TPHCM tổ chức hội nghị riêng về việc kết nối giao thông giữa TP và các tỉnh miền Đông, miền Tây để bàn kỹ hơn và “thấu tình đạt lý”. Bên cạnh đó còn có hội nghị về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TPHCM là trung tâm.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị Trung ương sớm cấp vốn đề triển khai tuyến metro Số 1 đúng tiến độ. Ngoài ra, TP muốn tạm ứng 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyến vành đai 3.

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 5

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị cho TP tạm ứng ngân sách gần 3.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng làm đường vành đai 3

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết việc kết nối đường vành đai 3 và vành đai 4 rất “ì ạch”.

“TP cần sớm giải quyết công trình metro, sân bay, kết nối hạ tầng. Ùn tắc giao thông thì thành phố không phát triển đột phá được và giậm chân tại chỗ. Riêng tuyến metro số 1, 2, cần phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư điều chỉnh dự án, có giải pháp phối hợp để tạo thuận lợi triển khai dự án”, ông Bình nói.

Bộ trưởng GTVT: Không sớm có đường vành đai, giao thông TPHCM sẽ vô cùng hỗn độn - 6

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM không đủ điều kiện để tái đầu tư hạ tầng

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đóng 27% ngân sách Trung ương nhưng dùng hơn 5,2% ngân sách quốc gia. Nguồn lực ngân sách thành phố không đủ điều kiện tái đầu tư hạ tầng.

Theo Bí thư Nhân, cứ 5 năm là thành phố tăng 1 triệu dân. Thêm người, thêm xe thì kẹt xe càng nặng nên cần sớm đầu tư hạ tầng giao thông.

“Vành đai 3 là do Trung ương chi ngân sách đầu tư và quản lý, TP xin ứng tiền đền bù giải phóng mặt bằng trước chứ 5 năm nữa tốn tiền hơn. Vành đai 4 cũng vậy, giải phóng mặt bằng để có đất sạch phục vụ hợp tác công tư. Thêm người, thêm xe, kẹt xe nữa”, Bí thư Nhân nói.

Quốc Anh – Phạm Nguyễn