KTS Đào Ngọc Nghiêm.
Xung quanh vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với KTS Đào Ngọc Nghiêm, người từng giữ vai trò Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội trước đây.
Ông nghĩ sao về mô hình Kiến trúc sư trưởng?
Chúng ta hi vọng vào mô hình Kiến trúc sư trưởng, đó là người khâu nối tất cả lại để tạo ra diện mạo đô thị nhưng đấy là trong giai đoạn ban đầu. Còn khi đã hình thành cơ cấu tổ chức khá đồng bộ rồi thì cá nhân chỉ đóng vai trò tư vấn chứ không thể quyết định được.
Ngay như ở các nước phát triển như Singapore, trước đây vai trò của Kiến trúc sư trưởng rất lớn, nhưng dần dần người đứng đầu cơ quan quản lý kiến trúc là Chủ tịch hội đồng kiến trúc của Singapore mới là Kiến trúc sư trưởng. Và với vai trò như vậy thì mới đưa được ý tưởng vào hiện thực.
Như vậy theo ý ông thì không cần thiết có Kiến trúc sư trưởng?
Nếu có, theo tôi chỉ là một chức danh cá nhân làm nhiệm vụ tư vấn giúp lãnh đạo thành phố. Và cũng bởi đây chỉ là mô hình thí điểm ở một vài đô thị và nó không đặc thù, chúng ta không nên đưa vào luật.
Trong dự thảo luật Quy hoạch đô thị mới đây nhất vừa có chức danh Kiến trúc sư trưởng và có cả Hội đồng kiến trúc quy hoạch, trong khi đó Kiến trúc sư trưởng cũng có bộ máy giúp việc. Liệu có xảy ra chồng chéo về vai trò, trách nhiệm?
Đây là cái chưa rõ ràng trong cách xử lý hình thức văn bản của dự thảo luật lần này. Ở đây cần phải làm rõ cá nhân Kiến trúc sư trưởng là đóng vai trò giúp việc cho người đứng đầu đô thị hay cả UBND thành phố? Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch cũng là tư vấn chuyên môn cho thành phố. Vậy hai bộ máy này đều tư vấn giúp cho thành phố thì mối quan hệ sẽ như thế nào? Khi có những quan điểm khác nhau thì sẽ nghe ai?.
Ông có đề xuất gì không?
Tôi cho rằng, Kiến trúc sư trưởng nên đồng thời là Chủ tịch Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và điều tiết giữa vai trò của hai đơn vị này bằng quy chế hoạt động do Chính phủ hoặc Bộ Xây dựng quy định.
Khi đưa ra mô hình Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng kiến trúc quy hoạch, dư luận rất quan tâm đến sự tồn tại của Sở Quy hoạch kiến trúc hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Đây là vấn đề cần phải làm rõ bởi dư luận đang có những cách hiểu khác nhau. Trong dự thảo luật đặt ra, Kiến trúc sư trưởng là một chức danh, là người đứng đầu kiến trúc quy hoạch nhưng lại có bộ máy giúp việc.
Vậy bộ máy giúp việc để tư vấn cho thành phố thì đó là gì? Hiện nay, Sở Quy hoạch kiến trúc đang là cơ quan quản lý tham mưu giúp thành phố. Như vậy, hai bộ máy giúp việc này là khác nhau nên nếu đặt vấn đề ghép chúng lại thì chưa thoả đáng.
Nghĩa là vẫn tiếp tục cần có sự tồn tại của Sở Quy hoạch kiến trúc cho dù có thêm những mô hình mới?
Tôi cho rằng nên như thế. Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng là tư vấn giúp việc độc lập. Còn Sở Quy hoạch kiến trúc giúp thành phố về mặt quản lý về quy hoạch kiến trúc. Điều này rất cần thiết với hai đô thị đặc biệt hiện nay là Hà Nội và TPHCM.
Vấn đề ở đây là khớp nối các thủ tục hành chính để đảm bảo tránh chồng chéo, phiền hà. Tôi cho rằng, mô hình liên thông là mô hình có hiệu quả nên phát huy.
Xin cám ơn ông!
Ngày 26/4, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã gửi góp ý dự thảo Luật quy hoạch đô thị. Theo đó, mô hình Kiến trúc sư trưởng đã thực hiện thí điểm gần 10 năm ở Hà Nội và TPHCM nhưng không hiệu quả và đã thay đổi sang mô hình Sở kiến trúc quy hoạch. Vì vậy, không nên lặp lại mô hình đó. Với đô thị, Kiến trúc sư trưởng là chức danh cá nhân tư vấn cho người đứng đầu đô thị và không can thiệp vào quản lý, điều hành. Vì vậy, không nhất thiết phải đưa vào luật. Nếu đưa vào thì phải có tiêu chí lựa chọn, cụ thể, rõ ràng. Phân biệt rõ vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch với Kiến trúc sư trưởng. Mô hình Hội đồng kiến trúc quy hoạch đô thị đã thực hiện nhiều năm nay có hiệu quả tương đối tốt cần giúp kinh nghiêm và củng cố tốt hơn về tổ chức và tranh thủ trí tuệ tập thể của các chuyên gia luật cao nhất. |
Lan Hương