Phú Thọ:

Sắp xếp, sáp nhập: Hạn chế tối đa "dịch chuyển" quyền sử dụng đất

Thế Kha

(Dân trí) - Phú Thọ sẽ tiếp tục sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 66 cấp xã. Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu hạn chế tối đa việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ do ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ - làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh này về việc thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập.

Sắp xếp, sáp nhập: Hạn chế tối đa dịch chuyển quyền sử dụng đất - 1

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu (Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ).

Tiếp tục sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 66 cấp xã

Theo báo cáo, đến nay tỉnh Phú Thọ giữ nguyên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm 19 sở, ngành; tổng số phòng chuyên môn thuộc các sở sau sắp xếp là 115 phòng (tăng thêm 8 phòng so với năm 2020); 15 chi cục và tương đương (giảm một chi cục); 34 phòng thuộc chi cục (giảm 14 phòng).

Số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện là 159 phòng (không thay đổi từ năm 2020 đến năm 2022).

Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đến hết tháng 12/2022, tỉnh Phú Thọ có 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 69 đơn vị).

Với cấp xã, Phú Thọ đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính để thành lập 28 đơn vị hành chính cấp xã mới (giảm 52 đơn vị hành chính). Sau sắp xếp còn 255 xã, phường, thị trấn.

Tổng số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập so với biên chế quy định là 930 người; hiện nay, các địa phương đã thực hiện giải quyết được 592 cán bộ, công chức dôi dư. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện còn 596/876 người dôi dư.

UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các huyện, thành, thị phối hợp với Sở Tài chính thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của 983 cơ sở của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi sáp nhập.

Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng 810 cơ sở; điều chuyển 53 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 12 cơ sở; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 108 cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các huyện chưa hoàn thành việc xử lý tài sản sau khi nhận chuyển giao về địa phương và chưa hoàn thành việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho rằng quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy và xử lý các cơ sở nhà, đất sau sắp xếp, sáp nhập còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc xử lý số cán bộ dôi dư.

Sắp xếp, sáp nhập: Hạn chế tối đa dịch chuyển quyền sử dụng đất - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang.

Sở Nội vụ Phú Thọ được giao phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại nhằm tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Giai đoạn tới, tỉnh Phú Thọ sẽ có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 66 cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. Ông Quang yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tính toán thật kỹ phương án, lựa chọn thời điểm sắp xếp phù hợp và lưu ý những địa phương có tính chất đặc thù, riêng biệt.

Phải nhận được đồng thuận cao; hạn chế tối đa việc bán tài sản trên đất

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định Phú Thọ là một trong những địa phương đi đầu trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thời gian tới, các sở ngành, UBND huyện, thành, thị tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp, xử lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư và đảm bảo chế độ, chính sách.

Sắp xếp, sáp nhập: Hạn chế tối đa dịch chuyển quyền sử dụng đất - 3

Bản đồ hành chính tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Phutho.gov.vn).

Ông Châu lưu ý, hạn chế tối đa việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và không được cho thuê các cơ sở nhà, đất.

Các huyện, thành, thị cần nghiên cứu phương án để giao cho các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, phục vụ nhu cầu chung của cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, việc nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo phải kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; khắc phục những vấn đề chưa phù hợp của giai đoạn trước. Quan trọng nhất là phải nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Các cấp, ngành, địa phương phải có bước đi, lộ trình phù hợp nhất với thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu những tác hại", ông Bùi Minh Châu nêu rõ.