1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nam Định:

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác

Đức Văn

(Dân trí) - Được đầu tư trên 100 tỷ đồng, nhưng hiện nay bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông dài khoảng 2km, liên tục gặp sự cố bị sập, vỡ nghiêm trọng.

Kè bảo vệ khu du lịch hơn 100 tỷ tiếp tục sập, vỡ nghiêm trọng

Vùng bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Nơi đây có những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy với nguồn lợi thủy sản phong phú. Đặc biệt là bến đỗ của một số loài chim di cư, chim nước...

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 1

Bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông dài khoảng 2km, liên tục gặp sự cố bị sập, vỡ nghiêm trọng

Với những lợi thế nhất định, UBND huyện Nghĩa Hưng đã cho đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái biển rộng tới 200 ha, để thu hút du khách, phát triển du lịch, kinh tế của địa phương và đời sống của người dân quanh vùng.

Bờ kè Khu Du lịch sinh thái Rạng Đông dài khoảng 2km, được hoàn thành vào năm 2014, công trình do Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng.

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 2

Được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng tuyến bờ kè này đã tan hoang như vừa trải qua 1 trận động đất.

Đến đầu tháng 2/2019, trên tuyến kè này xuất hiện 2 hố sạt lở, sụt lún khác và có chiều hướng lan rộng. Sau khi sự cố sập, sạt, sụt kè xảy ra ở một vài vị trí, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cùng các ban, ngành chức năng địa phương đã đi kiểm tra thực tế, đồng thời yêu cầu huyện Nghĩa Hưng tiến hành xử lý ngay nhằm ngăn sạt lở lan rộng; xây dựng phương án kỹ thuật xử lý khẩn cấp các vị trí bị sạt lở.

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 3
Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 4

Tuyến bờ kè gẫy khúc, tạo thành hố như hàm ếch, gạch lát, bê tông bị trôi dạt xuống chân bờ kè.

Sự cố trên chưa được khắc phục thì đến đầu 9/2020, diện tích sạt lở của bờ kè này đã lan rộng lên gần 1km. Từng khối bê tông lớn trên bờ kè bị bẻ vụn, chất đống, trôi sạt xuống chân kè. Nhiều ống cống thoát nước có chu vi miệng ống cả mét bị cắt rời khỏi trụ, lăn lóc.

Phần vỉa hè và đường đi dọc theo kè của khu sinh thái cũng đã bị “ăn” vào gần hết, nhiều vạt rừng phi lao ven biển ở đây có nhiệm vụ chắn sóng cũng bị sóng đánh bật gốc, chết khô. Từng khúc đường gẫy gập, sụt xuống tạo thành hố sâu như hàm ếch...

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 5

Phần vỉa hè và đường đi dọc theo kè của khu sinh thái cũng đã bị “ăn” vào gần hết khiến nhiều cây bật gốc

Ông Ngô Văn Công, người trồng hoa màu gần khu sinh thái cho biết: “Hiện tượng sập, vỡ kè mới diễn ra khoảng hai năm nay. Ban đầu, kè chỉ sập một, hai điểm nhỏ, nhưng từ năm 2019 đến nay bắt đầu hư hại nghiêm trọng hàng loạt trên phạm vi lớn. Không biết bờ kè bị vỡ có phải do hút cát hay không, nhưng mỗi ngày có cả chục tàu hút cát hoạt động quanh khu vực này”.

Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 6
Bờ kè trăm tỷ tiếp tục sập, vỡ tan tác - 7

Đường ống bê tông thoát nước nằm lăn lóc khắp nơi trên bãi biển

Liên quan đến sự cố ven biển huyện Nghĩa Hưng, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã tổ chức ba cuộc hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu và xây dựng công trình biển từ trung ương về tham vấn, nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận và giải pháp khắc phục.