1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Bộ GTVT muốn sửa đổi định nghĩa "chậm chuyến", "hủy chuyến"

Thế Hưng

(Dân trí) - Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo hai thông tư với nội dung sửa đổi "Chuyến bay bị chậm", "Chuyến bay bị hủy", "Chuyến bay khởi hành sớm" và điều chỉnh một số quy định.

Đổi định nghĩa chậm chuyến, hủy chuyến

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2014 quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không; Thông tư 14/2015 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Đồng thời, Bộ muốn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2016 quy định về việc báo cáo hoạt động và báo cáo số liệu trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Trong đó, Bộ GTVT muốn sửa đổi định nghĩa "Chuyến bay bị chậm", "Chuyến bay bị hủy", "Chuyến bay khởi hành sớm" và điều chỉnh một số quy định về nghĩa vụ của người vận chuyển trong Thông tư 81/2014.

Hiện nay, theo quy định hiện hành, chuyến bay xác định chậm được tính trên cơ sở thời gian khai thác thực tế so với thời gian dự kiến theo lịch bay căn cứ do hãng hàng không lập vào một thời điểm cụ thể của ngày hôm trước ngày khai thác thực tế.

Bộ GTVT muốn sửa đổi định nghĩa chậm chuyến, hủy chuyến - 1

Thay đổi định nghĩa chậm chuyến, hủy chuyến (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tuy nhiên Bộ GTVT cho rằng, cách tính này có nhiều điểm chưa hợp lý do trong thực tế khai thác hiện nay. Bởi kế hoạch bay của các hãng hàng không được điều chỉnh nhiều lần trên cơ sở nhu cầu khai thác thực tế và cấp phép bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp.

Vì vậy, giờ bay thực tế so sánh với lịch bay căn cứ chưa phản ánh đúng bản chất của việc bay đúng giờ (hoặc chậm). Hơn nữa, lịch bay căn cứ do các hãng tự lập, nên thiếu tính khách quan.

Vì một số lý do nêu trên, Bộ GTVT nhận thấy cần bổ sung, sửa đổi các thông tư. Hướng thay đổi sẽ theo cách xác định chuyến bay đúng giờ hoặc chậm theo hướng so với lịch bay của hãng hàng không được cập nhật đến thời điểm 22h (giờ Hà Nội) vào hệ thống dữ liệu của Người khai thác cảng hàng không, sân bay của ngày hôm trước ngày dự kiến khai thác. Đồng thời, chuẩn hóa số liệu công bố, thống nhất cách tính trong toàn bộ công tác thống kê, giám sát hoạt động khai thác chuyến bay.

"Thay đổi sẽ tránh được những hiểu nhầm, thậm chí xung đột giữa hành khách và các hãng hàng không; đảm bảo việc giám sát của cảng vụ hàng không với trách nhiệm, nghĩa vụ của người vận chuyển được thực hiện thuận lợi, công khai, minh bạch", Bộ GTVT giải thích.

Đối với chuyến bay bị hủy, định nghĩa "Chuyến bay bị hủy" là chuyến bay không được thực hiện trên cơ sở lịch hủy của hãng hàng không. Nhưng trong Thông tư mới "Chuyến bay bị hủy" được định nghĩa là chuyến bay không được thực hiện trong khi lịch bay của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống đặt chỗ, bán vé của người vận chuyển trong vòng 24 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến.

Bộ GTVT phân tích, việc lấy lịch bay của chuyến bay được công bố trên hệ thống đặt chỗ, bán vé của người vận chuyển trong vòng 24 giờ so với thời gian khởi hành dự kiến giúp công tác giám sát trách nhiệm và nghĩa vụ của người vận chuyển với trường hợp chuyến bay bị hủy được thực hiện sát với thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung việc hoàn trả tiền vé cho hành khách bị từ chối vận chuyển để phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Miễn trừ cho hãng khi chuyến bay bị hủy bất khả kháng

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc sửa đổi quy định về việc miễn trừ cho hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài với lý do trường hợp bất khả kháng khác.

Quy định hiện hành chưa rõ ràng về nội dung và cơ quan có thẩm quyền xác định. Vì thế, dự thảo được bổ sung cụm từ "do cảng vụ hàng không xác định" để việc triển khai thực hiện được thuận lợi, chính xác.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sẽ bổ sung điều khoản áp dụng điều kiện miễn trừ cho một chuyến bay kế tiếp vì các nguyên nhân được nêu tại Thông tư 14/2015. Nguyên nhân bởi trong thực tế khai thác, nhiều chuyến bay bị chậm chuyến kéo dài, bị hủy chuyến do các lý do bất khả kháng xuất phát từ chuyến bay trước đó.

Cục Hàng không Việt Nam lý giải, quy định này sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam, miễn trừ trách nhiệm cho các hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị hủy, chuyến bay chậm kéo dài vì lý do bất khả kháng, không phải do lỗi của hãng hàng không.

Cũng theo Bộ GTVT, số liệu chậm, hủy chuyến được Cục Hàng không Việt Nam công bố dựa trên số liệu báo cáo trực tiếp của các hãng hàng không và Cảng vụ hàng không. Nhưng dự thảo mới sẽ đề xuất bổ sung điều khoản liên quan đến việc bổ sung đơn vị báo cáo, tổng hợp hàng ngày số liệu chậm, hủy chuyến và nguyên nhân là người khai thác cảng.