1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình ổn giá cả hàng tiêu dùng vùng bão lũ

(Dân trí) - Chiều ngày 8/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì cuộc họp về công tác điều hành giá từ nay tới cuối năm và bình ổn giá tại các địa phương đang bị thiệt hai do bão, lụt gây ra.

Bão số 12 và mưa lũ đã khiến 9.350 ha lúa bị ngập ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong đó nặng nhất là Khánh Hoà bị ngập 5.350 ha, ba tỉnh có diện tích bị ngập trên dưới 1.000 ha là Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

Bão cũng làm ngập, thiệt hại hơn 15.000 ha rau, hoa màu mà nhiều nhất là ở Đắk Lắk với gần 8.000 ha, Thừa Thiên- Huế và Phú Yên mỗi tỉnh bị thiệt hại khoảng 1.000 ha, Lâm Đồng bị thiệt hại 205 rau, hoa mầu... Người dân các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bão số 12 cũng bị thiệt hại gần 26.000 lồng bè trong đó riêng Khánh Hoà bị thiệt hại 24.320 lồng.

Về chăn nuôi, tính tới hôm nay 14 tỉnh thiệt hại hơn 458.000 con gia súc, gia cầm, ước tính thiệt hại về kinh tế 48 tỷ đồng.

Thời điểm này, những vùng ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vẫn chưa phải dùng tới hàng dự trữ.
Thời điểm này, những vùng ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vẫn chưa phải dùng tới hàng dự trữ.

Tuy nhiên, trước khi bão vào, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên thu hoạch xong lúa. Tính chung cả nước năng suất bình quân vẫn tăng 0,2 tạ/ha, chất lượng lúa được cải thiện nhiều.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết tại tỉnh Khánh Hoà có mặt hàng tôm hùm bị thiệt hại thì khả năng vào dịp Tết,thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua thì sẽ gây khan hiếm và giá tăng. Còn cá thì phía Bắc và phía Nam vẫn bảo đảm được nguồn cung. Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ khoanh nợ cho chủ tàu bè để tái sản xuất. Ngoài ra các mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng gì sau các đợt bão, lũ vừa qua.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay tại tỉnh Phú Yên nước đã rút hết, giá rau xanh tăng nhẹ từ 5- 8%. Ninh Thuận rau xanh tăng nhẹ 3- 5%. Bình Định nhìn chung giá cả ổn định, nước đã rút hết và chủ động khuyến khích doanh nghiệp đưa rau từ Tây Nguyên về, giá đã giảm dần đi vào ổn định. Tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng ít nên không có biến động giá cả. Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị nguồn hàng tốt nên không sốt giá, lượng mua tăng từ 25% ở siêu thị và ở chợ truyền thống tăng 12%, chưa phải dùng nguồn dự trữ tại chỗ.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân chuẩn bị nguồn hàng để bảo đảm không thiếu hụt và tăng giá các mặt hàng lương thực.

Còn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, ngành đã cơ bản khắc phục xong các khó khăn giao thông do lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, thông tuyến đường sắt ở miền Trung ngay sau bão và đường quốc lộ 1A...để bảo đảm hàng hoá lưu thông.

Phó Thủ tướng biểu dương các bộ ngành, địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn do bão lũ, bảo đảm nguồn hàng và giá cả đầy đủ cho người dân vùng bão, lũ.Công tác xuất cấp hàng hoá dự trữ kịp thời, khi đã cấp hơn 137.000 tấn gạo, xuất hơn 2 triệu liềuvác xin hoá chất sát trùng các loại, tập trung nhiều cho vùng lũ, xuất hàng trăm tấn rau giống đểbà con sản xuất ngay, cung ứng nguồn hàng cho nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Phó Thủ tướng đánh giá công tác điều hành giá vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, bảo đảm dưới 4% và góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện thành công tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2017; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại cuộc họp quý IV/2017 Ban chỉ đạo hồi tháng 10/2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin chính xác về các thiệt hại do bão, lũ để tránh gây tác động tới tâm lý, giá cả các hàng hoá. Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, Thành phố bảo đảm không để doanh nghiệp đưa hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng cung ứng chonhân dân vùng bão, nếu có thì phải xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh không có đạo đức này.

P.T

Dòng sự kiện: Cơn bão số 12