Bình Định giải ngân hơn 4.700 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam
(Dân trí) - Đến nay, Bình Định đã giải ngân hơn 4.700 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, hiện còn 4 tổ chức, hộ dân chưa thống nhất phương án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Bàn giao mặt bằng dứt điểm trước ngày 29/2
Ngày 22/2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định cho biết, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn tỉnh, đến nay đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư diện tích 951/953ha, chiều dài 117,43/117,99km.
Hiện còn 2 tổ chức và 2 hộ dân chưa thống nhất phương án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Cụ thể, một công ty trên địa bàn thị xã An Nhơn đề nghị thu hồi, bồi thường toàn bộ tòa nhà văn phòng làm việc (do có 1 phần tòa nhà văn phòng làm việc nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB)), UBND tỉnh đã cho chủ trương thực hiện thu hồi.
Riêng một tổ chức trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn chưa thống nhất phương án và 2 hộ dân trên tuyến chính ở địa bàn huyện Hoài Ân chưa thống nhất về giá.
Theo Sở GTVT Bình Định, tổng vốn Bộ GTVT đã cấp cho tỉnh là 4.813 tỷ đồng, đạt 97,2% so với kinh phí được phê duyệt (4.953 tỷ đồng) và đạt 90,7% so với nhu cầu thực tế (5.306 tỷ đồng). Đến nay đã giải ngân 4.730 tỷ đồng, đạt 98,3% vốn cấp.
Về công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường GPMB, địa phương đã phê duyệt 770 đợt, số tiền 4.626 tỷ đồng.
Bình Định thực hiện đầu tư xây dựng 40 khu tái định cư (TĐC), diện tích hơn 71ha, tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng. Hiện đã thi công xây dựng hoàn thành 30 khu, còn lại 10 khu đạt 98%.
Hoàn thành việc giao đất TĐC ngoài thực địa cho 904 hộ để các hộ dân xây dựng nhà.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tuy phần khối lượng còn lại của các địa phương không nhiều nhưng vướng mắc gây kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác GPMB của dự án.
Ông Hoàng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ dân, tổ chức sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng dứt điểm trước ngày 29/2.
Vướng đất rừng, thiếu vật liệu cát
Theo Sở GTVT Bình Định, ngoài vướng 2 tổ chức và 2 hộ dân chưa thống nhất phương án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng, địa phương còn gặp khó trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, thiếu vật liệu cát…
Do đó, Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung diện tích đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án.
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Chính phủ cho phép địa phương nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời gian khai thác để phục vụ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Đối với khối lượng cát còn thiếu hơn 1 triệu m3 so với nhu cầu để xây dựng dự án, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương lập hồ sơ khai thác các điểm mỏ mới trình UBND tỉnh xác nhận. Đồng thời, khảo sát, điều tra xem xét sử dụng các điểm mỏ đã cấp phép để đảm bảo đủ khối lượng cát phục vụ dự án.