1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định bàn cách xử lý điểm sạt lở từ một năm trước

Doãn Công

(Dân trí) - Đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng hệ neo thép được khoan cấy vào trong bề mặt núi đá, kết hợp hệ lưới thép neo chống đá rơi để xử lý sạt lở núi Bà Hỏa ở ngay cửa ngõ TP Quy Nhơn, Bình Định.

Ngày 14/9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp xem xét phương án xử lý chống sạt lở núi Bà Hỏa ở đường Nguyễn Tất Thành nối dài.

Bình Định bàn cách xử lý điểm sạt lở từ một năm trước - 1

Khối đá trượt ở núi Bà Hỏa (Ảnh: Doãn Công).

Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất phương án giữ nguyên đá hiện tại, chỉ tẩy bỏ đá lăn, đá lở và xử lý mái đất trên đỉnh núi. Bổ sung rãnh đỉnh với mục đích cắt nước mưa, hạn chế nước chảy xuống các vết nứt nẻ và vào trong các khối đá.

Sử dụng hệ neo thép được khoan cấy vào trong bề mặt núi đá, kết hợp với hệ lưới thép neo giữ ổn định cục bộ bề mặt núi đá để chống đá rơi. Đồng thời, phủ xanh bề mặt bên ngoài lưới thép bằng cây dây leo để tạo cảnh quan.

Bình Định bàn cách xử lý điểm sạt lở từ một năm trước - 2

Đến nay sau một năm xảy ra sự cố sạt lở, một làn đường vẫn bị phong tỏa (Ảnh: Doãn Công).

Đại diện các sở, ngành liên quan tỉnh Bình Định đánh giá biện pháp xử lý khả thi về cả mặt thẩm mỹ, ổn định và chi phí phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế làm rõ thêm cơ sở tính toán lưới thép phủ, cơ sở nào để tính toán chiều dài thanh neo, mật độ, xác định độ bền của lưới thép, giải pháp thay thế khi tuổi thọ vật liệu hết hạn.

Bình Định bàn cách xử lý điểm sạt lở từ một năm trước - 3

Đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra nguyên lý làm việc của đinh neo kết hợp lưới (Ảnh: Doãn Công).

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, chia sẻ đặc thù đường cuối vách chân núi Bà Hỏa, mái taluy dương rất đứng, có đoạn độ dốc cao trên 70 độ, đá phong hóa.

Nếu theo ý kiến đơn vị tư vấn thiết kế thì chỉ xử lý hiệu quả khối đá trượt với độ sâu tối đa chỉ 3m. Trong khi đó, thực tế khối đá trượt vừa rồi đã sâu 4m.

"Nếu cường độ mưa kéo dài, khối đá trượt có thể lớn hơn nhiều thì lưới thép có bị quá tải hay không?", ông Nam nêu ý kiến băn khoăn với đơn vị tư vấn thiết kế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá bước đầu phương án đề xuất nêu trên có tính khả thi, phù hợp và cơ bản giải quyết được bài toán xử lý khắc phục sạt lở núi Bà Hỏa.

"Phương án thiết kế cụ thể, việc triển khai các giải pháp thế nào, tới đây các ngành chuyên môn, sở ngành của tỉnh sẽ thẩm định, lấy ý kiến Liên hiệp hội. Việc này cần làm khẩn trương, trong tuần sau phải xong để báo cáo Ban Thường vụ cho ý kiến thực hiện các bước tiếp theo", ông Tuấn Thanh yêu cầu.

Ông Thanh cũng giao trách nhiệm cho chủ đầu tư dự án là UBND Quy Nhơn thực hiện, với tinh thần nhanh chóng, đảm bảo quy định pháp luật.

Như Dân trí đã thông tin, vào tháng 10/2021, sự cố sạt lở đất, đá ở đường Nguyễn Tất Thành, khu vực núi Bà Hỏa (thuộc phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã làm 3 người bị thương.

Vị trí sạt lở vách đá dựng đứng rất nguy hiểm. Từ đó đến nay, để bảo đảm tính mạng của người dân và phương tiện qua lại, chính quyền địa phương đã rào chắn, cấm một bên đoạn đường lưu thông tại khu vực này và tìm giải pháp khắc phục.

Đây là cửa ngõ quan trọng vào trung tâm TP Quy Nhơn, việc duy trì rào chắn cảnh báo sạt lở và chậm khắc phục quá lâu đã làm cản trở giao thông. Người dân địa phương liên tục đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Bình Định sớm khắc phục điểm sạt lở, tháo dỡ rào chắn đoạn đường đã bị bịt kín để người dân đi lại an toàn.