Biệt thự, bến du thuyền chiếm bờ sông Sài Gòn làm của riêng
(Dân trí) - Bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) bị những dãy biệt thự khủng bịt kín, gần như không còn lối ra. Các khu biệt thự biến mặt sông thành bến du thuyền, chiếm trọn không gian chung.
Những năm gần đây, vấn đề các công trình xây dựng xây dựng vươn sát mặt sông Sài Gòn là thực trạng chưa có lời giải của TPHCM. Trong đó, khu vực sông Sài Gòn đoạn qua khu vực phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) là điểm nóng của vấn nạn công trình, biệt thự bao vây đường bờ sông, người dân khó để tìm nơi tiếp cận, hóng gió trời hay tập thể dục.
Để được tận hưởng không khí của mặt sông, người dân buộc phải chọn phương án đi bộ xa hơn về đầu hoặc cuối đường Nguyễn Văn Hưởng, một con hẻm nhỏ nằm giữa đường hoặc trả tiền để vào nhà hàng, quán cà phê ven sông.
Đường bờ sông Sài Gòn với chiều dài 80km, chảy qua nhiều quận, huyện là lợi thế để TPHCM phát triển du lịch, kinh tế sông và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc quy hoạch không đồng bộ khiến thành phố chưa tận dụng được lợi thế này.
Khu vực phường Thảo Điền là một ví dụ cho việc quy hoạch không đồng nhất. Phía bên trái một bờ kè nhánh sông Sài Gòn, hành lang, lối đi bộ chung của người dân vẫn được để lại. Phía đối diện, các công trình, biệt thự tư nhân đã chiếm hữu.
Một biệt thự được xây sát bờ sông Sài Gòn tại khu vực phường Thảo Điền. Theo ghi nhận của phóng viên, công trình được xây dựng kiên cố gồm các hạng mục nhà ở, hồ bơi, các công trình phụ trợ khác...
Tại nơi tiếp giáp bờ sông, một đoạn hành lang nhỏ được quây thành lối đi riêng, vươn ra phía ngoài. Tuy nhiên, đoạn đường này không dùng để phục vụ người dân.
Tại một khu vực khác gần đó, hồ bơi, sân tennis đã được hình thành tại đường ven bờ sông. Công trình này được sử dụng để phục vụ dân cư, du khách của một dự án trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức).
Theo Quyết định 150 của UBND TPHCM về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn, khu vực bờ sông thuộc phường Thảo Điền có hành lang bảo vệ sông là 50m. Các công trình cần thực hiện đúng mục đích quy định, phù hợp quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Đồng thời, các công trình như quán cà phê, giải khát ngoài trời, điểm kinh doanh phục vụ du lịch, khu thể dục, thể thao... phải đảm bảo yếu tố bảo vệ bờ sông, kết hợp không gian, cảnh quan và có thời hạn tối đa 3 năm.
Một đoạn bờ sông Sài Gòn được chủ đầu tư quây lại, xây dựng bến du thuyền riêng. Quan sát mặt cắt ngang của đoạn bờ sông nói trên, khu vực kè sông mang tính chắp vá, nơi thò ra, thụt vào, một số đoạn đã xuống cấp, trái ngược với khung cảnh tráng lệ của công trình phía trên bờ.
Các đoạn đường bờ sông Sài Gòn, phía cuối những con hẻm trên đường Nguyễn Văn Hưởng thường được các chủ sở hữu công trình xây dựng thiết kế theo ý riêng. Trong hình là đoạn hàng rào bờ sông được thế kế lắp kính cuối con hẻm 189C đường Nguyễn Văn Hưởng.
Việc xây lên những vách kính che chắn mặt sông có thể phù hợp với kiến trúc, ý định của chủ nhà liền kề. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng việc làm trên vô hình tạo sự ngăn cách của người dân với bề mặt, không khí sông Sài Gòn. Đáng ra đây phải là không gian chung của cộng đồng.
Con hẻm 189D đường Nguyễn Văn Hưởng, dù đã được cấp số hẻm, nhưng vẫn bị dựng barie kiếm soát và chốt bảo vệ kiên cố, hạn chế người dân ra vào bờ sông Sài Gòn.
Khi cố gắng tiếp cận sâu hơn vào con hẻm 189D để tìm lối ra bờ sông, một người từ phía trong yêu cầu phóng viên ra khỏi khu vực này. Theo người này, đây là khu vực tư, không thể tự do ra vào.
Các biệt thự trong hẻm 189D có không gian mở. Đoạn hàng rào bờ sông cũng được chủ nhà thiết kế riêng và trồng hoa. Ngoài hồ bơi, khu vực gần sông cũng được xây dựng làm bến đậu du thuyền riêng.
Một trong những lối ra bờ sông hiếm hoi, nhưng cũng bị bao quanh bởi các công trình biệt thự. Đây là đoạn bờ sông nhỏ hẹp duy nhất người dân khu tại khu vực phường Thảo Điền có không gian mở để tận hưởng gió.
Tuy nhiên, khu vực này cũng không được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nơi sát bờ sông chỉ là mô đất trống, không có lan can bảo vệ, tạo cảm giác mất an toàn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Một khu vực khác để người dân tiếp cận khu vực bờ sông Sài Gòn tại khu vực này là đoạn bờ kè dài khoảng vài chục mét cuối đường Nguyễn Văn Hưởng. Khu vực này nằm sâu trong một con hẻm dài, khó tìm kiếm. Đây là nơi để người dân có thể tản bộ, dạo mát, tập thể dục, câu cá mỗi buổi chiều.
Khu biệt thự An Phú, một trong những công trình có quy mô lớn nhất khu Thảo Điền, có đường bờ sông dài hơn 1km. Bờ sông tại đây được xây dựng công viên và bến đỗ du thuyền chỉ sử dụng nội bộ cho dân của khu biệt thự.
Các lối đi vào khu biệt thự An Phú luôn có những chốt bảo vệ kiên cố. Nhân viên bảo vệ kiểm tra người ra vào khu vực kỹ lưỡng.
Những người này cho biết, chỉ có người dân bên trong mới vào được khu vực bờ sông, công viên, bến thuyền. Khi phóng viên đứng chụp hình thì bị bảo vệ yêu cầu rời khỏi ngay lập tức.
Đầu đường số 14, phường Thảo Điền, chốt bảo vệ với hàng rào kéo đã được dựng lên từ lâu. Dù khu vực không hạn chế người dân ra vào hay đóng kín cửa, nhiều người dân vẫn tỏ ra ái ngại và phản cảm vì những hạng mục này tạo cảm giác đây là lối đi tư nhân.
Một bảo vệ tại đây thông tin, hàng rào sẽ được kéo kín lại vào 22h đêm ngày hôm trước và mở cửa vào sáng sớm hôm sau. Việc đóng hàng rào vì lý do an ninh.
Công viên Thảo Điền nằm phía cuối con đường 14 là một trong những không gian xanh hiếm hoi phục vụ người dân trong khu vực. Ngoài nơi để tập thể dục, người dân có thể tự do hóng gió sông mà không bị ai ngăn cản.
Anh Nguyễn Tắc Quý (21 tuổi, sinh viên năm 3 trường Đại học Văn Hóa) đang cùng các bạn trong lớp vui chơi tại công viên Thảo Điền. Anh chia sẻ, sau 2 năm trú tại khu vực ký túc xá của trường gần đây, anh cùng các bạn mới biết công viên này là khu vực công cộng.
"Ban đầu chúng tôi ngại vào, vì thấy nhiều hàng rào, chốt bảo vệ. Nhờ một người bạn dẫn tới nhiều lần, tôi mới biết đây là công viên công cộng", anh Quý bày tỏ.
Với đặc điểm là thành phố hiện đại, nhộn nhịp và đông dân, sông Sài Gòn là một trong số ít không gian mở tự nhiên còn lại của TPHCM. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, không chỉ tại khu vực phường Thảo Điền, bờ sông Sài Gòn tại hàng loạt khu vực khác không còn là của số đông người dân như tính chất vốn có.
Trước đó, trả lời báo Dân trí, đại diện Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, đơn vị đã thực hiện rà soát lại việc sử dụng hành lang bờ sông, các loại giấy tờ pháp lý của 88 dự án đầu tư xây dựng tại 9 quận, huyện dọc sông Sài Gòn.
Sau khi rà soát, đơn vị đã ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó, 40 dự án hình thành trước khi quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng và cơ quan chức năng tại thành phố chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể đối với các công trình xây trên khu vực hành lang sông trước và sau khi quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch có hiệu lực.