Giải pháp nào cho TPHCM khi bờ sông Sài Gòn đang "ngộp thở"?

Q.Huy

(Dân trí) - Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, do yếu tố lịch sử, nhiều dự án đã được cấp phép trước khi có quy định cụ thể về hành lang sông Sài Gòn. Đây không phải vấn đề có thể dễ dàng giải quyết.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm của UBND TPHCM diễn ra chiều 7/3, phóng viên báo Dân trí đã nêu thực trạng về việc hiện tại, dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức), đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức), các nhà hàng, quán cà phê, công trình xây dựng đã lấn chiếm hết phần diện tích hành lang sông, người dân không còn hoặc còn rất ít khu vực có thể tiếp cận bờ sông.

Vậy, các công trình này có vi phạm các quy định hiện hành về bảo vệ hành lang sông hay không? Chính quyền thành phố có biện pháp gì để khắc phục thực trạng này, trả lại không gian xanh khu vực bờ sông cho người dân?

Nhiều vấn đề do lịch sử mang lại

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết, năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Tuy nhiên, trước khi quyết định trên có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng.

"Đây là vấn đề do yếu tố lịch sử, nhiều dự án đã được cấp phép trước khi có quy định cụ thể về hành lang sông, rạch. Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy nhiều khu vực do lịch sử phát triển đô thị mà đã hình thành công trình nhà ở, công trình xây dựng sát bờ sông Sài Gòn", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Giải pháp nào cho TPHCM khi bờ sông Sài Gòn đang ngộp thở? - 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM (Ảnh: T.N.).

Thời điểm hiện tại, để quy hoạch, định hướng lại hệ thống cơ sở hạ tầng xanh, công viên cây xanh, tiện ích xã hội dọc hành lang sông cần cả chiến lược dài. Phương án hiện nay là khoanh vùng khu vực khả thi để thực hiện trước và kêu gọi nguồn lực xã hội để đầu tư, gắn với phát triển hạ tầng. 

"Ví dụ như hiện tại, thành phố đã hình thành và cải tạo công viên Bến Bạch Đằng, kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến ga Ba Son. Đây là khu vực có thể triển khai trước mắt, khả thi và có tính hiệu quả", đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc phân tích.

Về mặt dài hạn, để thành phố có được một hành lang sông đẹp, nhiều chức năng phục vụ xã hội, phát triển hạ tầng, địa phương cần chiến lược để đánh giá quỹ đất ở khu vực nào có thể đấu giá đầu tư quy hoạch, tạo nguồn lực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công tác quy hoạch có thể tính bằng năm, còn việc đầu tư, phát triển phải tính bằng chục năm, thậm chí trăm năm.

"Đối với những nơi người dân đã xây nhà, biệt thự, hạ tầng ổn định thì cần có sự đồng thuận lớn mới có khả thi. Nếu cố gắng kéo dài vệt công viên dọc bờ sông thì đền bù, giải tỏa rất khó do đất ven sông là nơi có giá rất cao", Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch phân tích.

Đơn vị nào có thẩm quyền xử lý công trình lấn chiếm sông?

Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí tiếp tục đặt câu hỏi về kết quả của cuộc thanh tra các công trình dọc hành lang sông Sài Gòn được Sở Xây dựng tổ chức từ hồi cuối năm 2019. 

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, đơn vị đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại 9 quận, huyện thời điểm đó. Sau khi rà soát, đơn vị đã ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó, 40 dự án hình thành trước khi quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.

Giải pháp nào cho TPHCM khi bờ sông Sài Gòn đang ngộp thở? - 2

Người dân không còn hoặc còn rất ít khu vực có thể tiếp cận bờ sông Sài Gòn (Ảnh: Ip Thiên).

"Do ra đời trước khi quyết định 150 có hiệu lực, nhiều dự án đã được giao đất, cấp phép sát mép sông. Ngoài ra, một số dự án do sự bồi lắng của sông nên công trình bị đưa ra sát sông", Sở Xây dựng TPHCM thông tin.

Hiện tại, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TPHCM về kết quả của cuộc kiểm tra để đưa ra biện pháp. Sở cũng kiến nghị thành phố giao cho đơn vị này chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xác định lại phạm vi, diện tích vi phạm để đưa ra hướng xử lý.

Liên quan tới các khu vực có dấu hiệu vi phạm quy định bảo vệ hành lang sông Sài Gòn mà báo Dân trí phản ánh, đại diện sở khẳng định sẽ chuyển thông tin đến các phường, xã, quận, huyện và thành phố Thủ Đức xử lý. Theo quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, việc xử lý các công trình lấn chiếm bờ sông Sài Gòn thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

 Vấn đề lấn chiếm hành lang bờ sông Sài Gòn được dư luận đặt ra cho các cấp chính quyền thành phố từ hồi cuối năm 2019. Thời điểm đó, phần lớn khu vực bờ sông đoạn qua đường Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức) bị các công trình, dự án, nhà hàng lấn chiếm, người dân còn rất ít khả năng tiếp cận mặt sông, nhiều con hẻm dẫn ra bờ sông bị dựng barie và có người trông giữ.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Phong, khi còn là Chủ tịch UBND TPHCM, từng nhấn mạnh, địa phương không chấp nhận những tuyến đường thò ra, thụt vào, ngắt quãng. Sông Sài Gòn nằm giữa đô thị là một tài sản quý cho người dân, tình trạng lấn chiếm đã khiến dòng sông mất đi giá trị.

Sau hàng loạt bài báo phản ánh, chính quyền phường Thảo Điền đã chỉ đạo tháo dỡ các barie chặn lối ra sông và kiên quyết xử lý các công trình lấn chiếm bờ sông Sài Gòn. Lãnh đạo UBND phường Thảo Điền lúc đó cũng cho biết, đơn vị đã có văn bản chính thức tới các chủ đầu tư dự án về việc mở cửa, không chặn lối đi của người dân tại các con hẻm.

Cuối tháng 12 năm 2019, Sở Xây dựng TPHCM cũng có kế hoạch kiểm tra các dự án nằm tiếp giáp bờ sông Sài Gòn. Theo kế hoạch, cho đến ngày 3/1/2020, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ rà soát lại việc sử dụng hành lang bờ sông, các loại giấy tờ pháp lý của 88 dự án đầu tư xây dựng tại 9 quận, huyện.

Ngoài 88 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra thêm 13 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hành lang bảo vệ sông Sài Gòn khác với quy định hiện hành. Tuy nhiên đến nay, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tình trạng lấn chiếm bờ sông Sài Gòn tại khu Thảo Điền và nhiều nơi khác của TPHCM vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.