Biến đổi khí hậu tại Việt Nam ngày càng khắc nghiệt

(Dân trí) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ tác động nghiêm trọng đến Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệt độ toàn quốc tăng cao, hạn hán kéo dài và bất thường, nguồn nước ở các hệ thống sông lớn có xu hướng giảm nhanh.

Biến đổi khí hậu tại Việt Nam ngày càng khắc nghiệt - 1
Khí hậu thay đổi, khô hạn đe dọa khắp cả nước. (Ảnh minh họa)
 
Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, theo kết quả nghiên cứu các kịch bản về BĐKH những năm tới do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường công bố: BĐKH trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn tới các nguồn nước ở Việt Nam, đặc biệt là với hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông.
 
Cụ thể dòng chảy năm và dòng chảy kiệt có xu hướng thấp đi, nhưng đến mùa lũ, dòng chảy lại dữ dội hơn so với nhiều năm trước.
 
Theo tính toán của các nhà khoa học, vào năm 2070, thay đổi về thời tiết vùng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các sông vừa và nhỏ, dòng chảy năm có thể giảm đi. Điều đó cũng có nghĩa sự khắc nghiệt ngày càng gia tăng đối với nguồn tài nguyên nước của Việt Nam.
 
Cùng đó, biến đổi khí hậu cũng khiến vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc phải đối mặt với nguy cơ gia tăng cường độ hạn hán do biến đổi khắc nghiệt của thời tiết trong những năm tới.
 
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng chịu tổn thương khá nặng nề do biến đổi khí hậu. Cụ thể, tại miền Trung, nhiệt độ trong các thập kỷ tới sẽ cao hơn, mùa gió Tây khô nóng có xu thế đến sớm và kết thúc muồn hơn. Với khu vực Tây Nguyên, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ dài thêm, ngược lại, mùa lạnh sẽ thu hẹp lại.
 
Ở miền Trung, lượng mưa phổ biến sẽ tăng lên tại các khu vực Nam Trung Bộ nhưng sẽ phải gánh chịu mùa khô hạn khắc nghiệt từ tháng 12, tháng 1 cho đến tháng 8, tháng 9.
 
Tại Bắc Trung Bộ, tháng 5, tháng 6 có thể trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam Trung Bộ, mưa phùn trở nên hiếm hoi hơn. Còn khu vực Tây Nguyên, tính bất ổn trong chế độ mưa cũng tăng lên khiến vùng này đối mặt với nguy cơ hán hán bất thường.
 
Phạm Thanh