(Dân trí) - "Người đứng đầu tỉnh mà không xuống địa bàn, để địa phương "tự bơi" trong đại dịch thì coi như không lãnh đạo", ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ, nguyên Bí thư tỉnh Quảng Trị phân tích.
Từ cuối tháng 5/2021, sau khi phát hiện ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên, TPHCM đã kích hoạt Chỉ thị 15 toàn TP và Chỉ thị 16 ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Sau 2 tuần đầu tiên TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để chống dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu đánh giá, đó là những ngày thực sự khó khăn, "chưa từng có tiền lệ" với thành phố lớn nhất cả nước. Toàn hệ thống chính trị và người dân TPHCM đã phải cùng vào cuộc, chiến đấu với sự lây lan của biến chủng Delta. Đã có những mất mát, hy sinh về sinh mạng con người.
Và người lãnh đạo đứng đầu thành phố xác nhận, trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Ông Nên khi đó cũng nhận trách nhiệm: "16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ!".
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh thông điệp về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chống dịch, không chỉ ở nhiệm vụ về y tế (khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị) mà còn bao trùm các lĩnh vực đời sống của thành phố hơn 10 triệu dân. Bí thư Nguyễn Văn Nên xác định, những ngày giãn cách, người dân TPHCM nói chung, người lao động nghèo nói riêng gặp nhiều biến cố. Ông chỉ đạo tập trung đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân và chỉ rõ "ở đâu còn người thiếu ăn thiếu mặc là lỗi của Bí thư, Chủ tịch".
Giữa tháng 10, sau 2 tuần TPHCM chấm dứt giãn cách xã hội, bước vào giai đoạn bình thường mới, khôi phục sau đại dịch, tại hội nghị Thành ủy lần thứ 9, Bí thư Nguyễn Văn Nên khái quát, những ngày tháng chống dịch cũng là cơ hội để thử thách, đánh giá cán bộ của thành phố, nhất là những người đứng đầu.
Cũng ở tâm dịch các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, cuối tháng 8, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố sẽ từ chức nếu để dân đói trong thời gian giãn cách xã hội.
"Lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo trách nhiệm nếu để dân đói. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu kỷ luật trước tiên, ngay cả Bí thư tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm" - Bí thư Đồng Nai quán triệt tinh thần tới toàn bộ các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh.
Ông yêu cầu Bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này và yêu cầu những người lãnh đạo cao nhất ở các địa bàn phải cam kết việc này "vì đó là Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Chính phủ". Ông nêu rõ ý nghĩa của cam kết trách nhiệm này chính là để "an dân", để người dân yên tâm và tin tưởng. Lòng dân, theo Bí thư Đồng Nai, là vaccine quan trọng nhất.
Hai Bí thư, hai người lãnh đạo cao nhất tại hai tỉnh thành lớn, là đầu tàu vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhận trách nhiệm cao nhất với tư cách người lãnh đạo đứng đầu địa phương trong công tác chống dịch, đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuyên suốt 2 năm qua.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu nguyên tắc, Bí thư Tỉnh ủy là người chịu trách nhiệm cao nhất ở địa phương, có vai trò "dẫn dắt" cán bộ, người dân địa phương vượt qua đại dịch. Trong bộ máy lãnh đạo của tỉnh, dù có phân vai cho Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch thế nào thì Bí thư Tỉnh ủy vẫn phải là người sâu sát với tình hình, chỉ đạo công việc thường xuyên.
"Thực tế, giữa ranh giới mong manh của cái sống và cái chết với người dân trong đại dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy phải là người làm ngày, làm đêm để cùng cán bộ và nhân dân tỉnh đó đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là thách thức và cũng là cơ hội để Bí thư tỉnh ủy thể hiện mình trong việc dám nghĩ, dám làm", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Vũ Trọng Kim (nhiệm kỳ 2001-2005) nói.
Đối chiếu với thực tế chống dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4, diễn ra từ cuối tháng 4/2021 tới nay, ông Kim đánh giá cao việc Bí thư Đồng Nai khẳng định sẽ từ chức nếu để dân bị đói cũng như việc Bí thư Bắc Giang, Bí thư Hải Dương, luôn xuất hiện ở những điểm nóng khi dịch bệnh tràn qua các địa phương này trước đó. Ông Kim đánh giá, những động thái, lựa chọn của những người đứng đầu như thế rất phù hợp trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", tất cả phải chiến đấu giành lại sự sống của từng người bệnh. Theo ông Kim, sự xuất hiện của các Bí thư Tỉnh ủy ở các điểm nóng giúp tập trung nguồn lực từ con người đến cơ sở vật chất giúp việc chống dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, từ góc độ một người đã từng kinh qua vị trí người đứng đầu cấp ủy một tỉnh, ông Kim nhấn mạnh, đó phải là việc làm thường xuyên của Bí thư ở nhiều "điểm nóng" khác nhau chứ không phải chỉ đi một vài điểm "để chụp hình, làm đẹp mình trên báo".
"Người đứng đầu tỉnh mà không xuống địa bàn, để chính quyền địa phương "tự bơi" trong đại dịch thì coi như không lãnh đạo. Anh ngồi trên bàn giấy, trong phòng họp, có nói bao nhiêu đi nữa, ra bao nhiêu văn bản, mà không "mục sở thị" thì không giải quyết được vấn đề. Thời điểm tôi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhắc tôi, một tuần phải dành 2-3 ngày đi cơ sở. Ở đó, dân sẽ chỉ ra những việc cụ thể để lãnh đạo tỉnh cùng bàn bạc, đưa ra những quyết định hợp lòng dân, thúc đẩy địa phương phát triển", ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.
Theo ông Kim, dịch bệnh là thách thức vô cùng lớn đối với bất cứ tỉnh thành nào, hậu quả của dịch bệnh đối với sức khỏe, tính mạng người dân, thiệt hại với kinh tế - xã hội là không thể tưởng tượng hết. Cho nên không lãnh đạo tỉnh thành nào có thể "nói giỏi" rằng mình sẽ biết trước mọi vấn đề của đại dịch diễn ra trên địa bàn. Thế nhưng nếu lãnh đạo tỉnh là người cầu thị, luôn sâu sát với địa bàn, nắm chắc chỉ đạo của Trung ương thì những khó khăn sẽ vượt qua rất nhanh.
"Bài học từ Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… vì sao các tỉnh này vượt qua đại dịch nhanh? Vì tỉnh đã phản ứng, đưa ra những quyết định nhanh, "trúng" trước diễn biến của dịch bệnh; đưa ra được kịch bản cụ thể trong việc phòng chống dịch; đặc biệt là việc thiết lập mô hình "ba tại chỗ" với công nhân các nhà máy" - đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhận xét.
Nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 là biến cố chưa có tiền lệ, nhiều tình huống bất ngờ nên gây thiệt hại lớn. Do vậy, nên chia sẻ với lãnh đạo các tỉnh thành, bởi theo ông, người đứng đầu nào cũng đã nỗ lực hết mình chống dịch.
Phân tích sâu hơn về ý nghĩa của các quy định đề cao vai trò, giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, điều hành chống dịch tại các địa phương cho người đứng đầu cấp ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Vũ Trọng Kim đi từ chính thực tế công tác của mình. Ông kể, khi được điều động, phân công về Quảng Trị, ông phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Thời điểm đó, nhiều người phán đoán, ông chỉ về địa phương này một năm rồi quay lại Trung ương. Nhưng ông tự xác định, trên cương vị người đứng đầu tỉnh, nếu ông không làm gì thì bản thân an toàn nhưng nút thắt tại địa phương vẫn sẽ còn nguyên đó, làm ứ đọng mọi công việc.
Vậy nên ông đã đáp lại các ý kiến bằng cách tuyên bố, quyết định phân công Bí thư của Bộ Chính trị không nói thời hạn đảm nhiệm chức vụ tới bao lâu nên ông sẽ "làm cho đến chết thì thôi, nếu không giải quyết được nút thắt mất đoàn kết nội bộ trong bộ máy của Quảng Trị". Nguyên Bí thư Quảng Trị giải thích, nói vậy để mọi người thấy người lãnh đạo đứng đầu rất kiên định, không chập chờn. Vai trò của một Bí thư tỉnh ủy, theo ông Kim, chính là thể hiện quan điểm rõ ràng, xác nhận trách nhiệm trước những thách thức như vậy.
Thông điệp về trách nhiệm, ông Kim chia sẻ, ông nêu rõ tại cuộc họp kiểm điểm của địa phương. Với chuyện mất đoàn kết nội bộ ở Quảng Trị, dù vấn đề đã tồn tại trước khi ông về địa phương, ông vẫn nhận: "Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất ở tỉnh trong ba năm vừa qua, nên tôi nhận hình thức khiển trách, dù tại cuộc họp kiểm điểm đó, không ai bắt tôi nhận trách nhiệm". Ông Kim lập luận, trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu còn cao hơn mọi loại trách nhiệm, vì điều đó quyết định cho sự thành công hay thất bại của các hoạt động, nhiệm vụ.
Tương tự như vậy, soi vào cuộc chiến chống Covid-19 tại rất nhiều địa phương cả nước thời gian qua, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, đại dịch khiến người dân đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách thì tinh thần trách nhiệm của cán bộ Đảng viên nói chung, của người lãnh đạo nói riêng là yếu tố quan trọng để tập trung sức mạnh chống dịch. Thực tế đang đòi hỏi bản lĩnh của các lãnh đạo để biến suy nghĩ thành hành động.
"Dịch bệnh là dịp để người dân đánh giá cán bộ lãnh đạo, thông qua hành động chứ không phải nhìn vào việc người đứng đầu tỉnh, thành là Tiến sĩ hay Giáo sư", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng trị nhận xét, trong cuộc chiến chống dịch, hầu hết cán bộ cấp cao đã thể hiện sự năng nổ, ngày đêm không ngại hiểm nguy, lăn lộn với công việc. Trước vấn đề liên quan đến sinh mạng của người dân, ông Kim nhận định, trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy là rất quan trọng. Khi dịch bệnh bùng phát ở địa phương nào thì vị trí của người chỉ huy ở đó phải được xác lập để từ đó những chỉ đạo thống nhất từ trên xuống.
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát và từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới" như hiện tại, theo ông Kim, đây cũng là giai đoạn Bí thư nói riêng cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành nói chung cần phát huy vai trò "bà đỡ" cho công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa.
"Lãnh đạo có thể đi xuống từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã để động viên kịp thời người lao động, chủ doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Và thời điểm này, vai trò của người đứng đầu địa phương là phải tạo ra những chính sách để hỗ trợ người dân, giúp đỡ doanh nghiệp, khôi phục cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Vũ Trọng Kim nói thêm.