1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí thư Nguyễn Văn Nên: So sánh với thế giới để định vị TPHCM đang ở mức nào

Q.Huy

(Dân trí) - Sau 30 năm hình thành và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị địa phương so sánh với các thành phố trên thế giới để "định vị lại mình" và tiếp tục phấn đấu.

Sáng 27/10, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, tham dự và phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn (1992-2022). Sự kiện còn có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và TPHCM qua các thời kỳ.

Sau 30 năm, kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước được hình thành, TPHCM đã có thêm 17 khu chế xuất, khu công nghiệp khác đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm, những mô hình này thu hút về cho thành phố hơn 260 triệu USD, chiếm 58% vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: So sánh với thế giới để định vị TPHCM đang ở mức nào - 1

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, trao đổi với ban lãnh đạo các khu chế xuất, khu công nghiệp các thời kỳ (Ảnh: Q.Huy).

"Việc tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển nhằm đánh dấu một chặng đường quan trọng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TPHCM. Sự kiện giúp chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, các cấp chính quyền các thời kỳ và cả người dân, doanh nghiệp đã đồng hành cùng thành phố", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Nhắc lại bối cảnh hình thành Khu chế xuất Tân Thuận, người đứng đầu Đảng bộ thành phố phân tích, thời điểm đó, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc hình thành khu chế xuất cũng có nhiều ý kiến, phản biện, lời bàn tán.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: So sánh với thế giới để định vị TPHCM đang ở mức nào - 2

Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Tuy nhiên, với quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Khu chế xuất Tân Thuận đã hoạt động có hiệu quả. Kể từ đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã thu hút khoảng 13 tỷ USD cho TPHCM, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 281.000 lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn mới, các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM cần sự thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với mục tiêu, định hướng hội nhập kinh tế sâu rộng. Bí thư Thành ủy TPHCM quán triệt về việc các ban quản lý cần liên tục đổi mới tư duy, thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: So sánh với thế giới để định vị TPHCM đang ở mức nào - 3

Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị thành phố so sánh với các thành phố khác trên thế giới để định vị quá trình công nghiệp hóa (Ảnh: Q.Huy).

"Trước đây, TPHCM nhìn ra cả nước và thấy mình tiên phong, đột phá. Hiện tại, thành phố cần nhìn xa hơn, tới các thành phố lớn trên thế giới để định vị lại mình đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở mức nào", ông Nguyễn Văn Nên đề nghị.

Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá, sau 30 năm, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, mô hình này cũng dần bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần sớm cải thiện.

Trong đó, hiệu quả, chất lượng thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Mô hình phát triển của những khu này chậm được đổi mới, thiếu sự liên kết, hợp tác. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư.