Bí thư Hậu Giang: Không vì nghèo mà đánh đổi môi trường với dự án
(Dân trí) - “Chúng tôi lo cho sự phát triển của quê hương, lo cho đời sống của nhân dân và cũng không để ai vi phạm đến môi trường. Hậu Giang không vì nghèo mà đánh đổi môi trường để lấy dự án”, ông Trần Công Chánh - Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định khi làm việc với Công ty giấy Lee & Man.
Liên quan đến việc mấy ngày gần đây người dân sống cạnh nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang phản ánh mùi hôi lại bốc lên từ nhà máy khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, ngày 13/9, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Trần Công Chánh cùng lãnh đạo các sở ngành của tỉnh đã đến làm việc với BQL Khu Công nghiệp Sông Hậu và lãnh đạo Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.
Ông Trần Công Chánh cũng tiếp xúc với các hộ dân sống gần khu vực nhà máy giấy để ghi nhận ý kiến của dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu phía nhà máy giấy rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống, khắc phục kịp thời các sự cố nếu có; tuân thủ nghiêm ngặt bảo vệ môi trường.
Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam được xây dựng tại Hậu Giang.
“Chúng tôi lo cho sự phát triển của quê hương, lo cho đời sống của nhân dân và cũng không để ai vi phạm đến môi trường. Hậu Giang không vì nghèo mà đánh đổi môi trường để lấy dự án” - ông Chánh nhấn mạnh.
Ông Trần Công Chánh cũng ghi nhận sự phán ánh của báo chí về các vấn đề liên quan đến nhà máy giấy. Tuy nhiên, ông mong muốn các phương tiện truyền thông ghi nhận và phản ánh sự việc này trung thực và có cơ sở khoa học.
Cũng trong sáng 13/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Patrick Chung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam - về việc mấy ngày gần đây dân phản ánh có mùi hôi bốc lên từ phía nhà máy.
Ông Patrick Chung cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của dân, phía nhà máy đã tìm hiểu mùi hôi đó từ đâu ra, mức độ như thế nào.
“Chúng tôi có một đường dây nóng trực 24/24 để nhận phản ánh của người dân. Nếu bất cứ người dân nào cảm thấy lo lắng, nghi ngại từ phía nhà máy có thể gọi cho chúng tôi ngay. Khi đó, chúng tôi sẽ cử nhân viên để ghi nhận phản ánh của họ”, ông Patrick Chung nói.
Theo ông Chung, sự cố về mùi hôi vừa qua là do nhà máy sản xuất giấy bao bì từ các nguyên liệu giấy tái chế. Khi tái chế loại giấy này, sợi giấy ngắn có chất lượng thấp được làm ướt, nghiền rồi để thành bãi, gặp trời mưa nên có mùi.
Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam có toàn bộ nước thải trung bình là hơn 11.000 m3/ngày đêm.
Ông Patrick Chung nói thêm: “Chúng tôi biết mùi này làm cho người dân xung quanh khó chịu nên đã dọn sạch toàn bộ số giấy này và mùi hôi ngay lập tức đã được xử lý hết vào ngày thứ 6 tuần rồi. Hiện tại chúng tôi đang làm vệ sinh để đảm bảo không còn sót lại những phần bã giấy”.
Phóng viên nêu câu hỏi: Ông khẳng định đã khử sạch mùi hôi từ thứ 6 tuần trước, nhưng đến thứ 2 tuần này, người dân xung quanh nhà máy giấy phản ánh mùi hôi vẫn còn?
Ông Patrick Chung - Tổng giám đốc Lee & Man - trao đổi với PV Dân trí ngày 13/9.
Tổng Giám đốc điều hành nhà máy giấy Lee & Man cho rằng nhiều thông tin phản ánh từ người dân không đúng sự thật.
“Như các bạn thấy đó, họ cho rằng chúng tôi xả thải làm tổn hại đến nguồn nước, trên thực tế thì hoàn toàn không có. Tôi nghĩ có một số người dân có cái nhìn không mấy thiện cảm với nhà máy giấy. Nhưng hiện tại có gần 1.000 cán bộ, nhân viên và đa số là người dân tại địa phương làm việc tại nhà máy. Ngoài ra, nhà máy cũng sử dụng nước từ sông Hậu cho việc sinh hoạt hàng ngày bình thường như người dân xung quanh”, ông Patrick Chung khẳng định.
Cũng vẫn theo lời vị Tổng giám đốc, nhà máy giấy Lee & Man hiện có 3 hệ thống quan trắc tự động về nước thải, chất khí thải và kết nối trực tiếp vào hệ thống quản lý của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang. Đến nay chưa ghi nhận kết quả bất thường nào về môi trường.
Hiện nay bên trong nhà máy giấy đang xây dựng khu ký túc xá cho toàn bộ nhân viên của nhà máy sinh sống. “Tôi muốn nhấn mạnh chúng tôi chỉ sống ở đây khi an toàn. Tôi muốn mọi người nên có cái nhìn rộng ra hơn”, ông Patrick Chung nói.
Ông Patrick Chung cho rằng Lee & Man là nhà máy có hệ thống thiết bị xử lý môi trường tốt nhất trong ngành giấy ở Việt Nam.
Phạm Tâm