Những hình ảnh bất ngờ, trớ trêu ở làng cổ Đường Lâm
Nỗi khổ và sự bức xúc đó đã được giới chức Đường Lâm, Sơn Tây, cả cán bộ của Hà Nội và cấp trên ghi nhận là chính đáng, là có thật. Để rộng đường dư luận, PV xin giới thiệu những hình ảnh làng cổ làm khổ dân ra sao.
Dư luận đang ầm ĩ và choáng váng với chi tiết chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: gần 80 người dân làng cổ Đường Lâm (Di tích Quốc gia làng cổ đầu tiên của nước ta) đã bất bình ký vào một lá đơn thống thiết, gửi lên UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin… trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho nhà nước.
Nỗi khổ và sự bức xúc đó đã được giới chức Đường Lâm, Sơn Tây, cả cán bộ của Hà Nội và cấp trên ghi nhận là chính đáng, là có thật. Để rộng đường dư luận, PV xin giới thiệu những hình ảnh làng cổ làm khổ dân ra sao.
Người Đường Lâm các thế hệ đã khổ thế nào để “hy sinh” cho danh hiệu làng cổ? Toàn bộ tầng 2, một nửa căn nhà 800 triệu (thời điểm năm 2010) của bà Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ) bị phá tan tành do “vi phạm quy chế xây dựng”. Oái oăm hơn, bà Khanh ngồi trên đống đổ nát nhà mình, thì trong ảnh, phía sau lưng bà là bạt ngàn nhà cao tầng… nghênh ngang tọa lạc!
Nhà chị Oanh bị cắt điện, nước sinh hoạt 2,5 tháng, vì tội lợp cái mái chống nóng như thế này. Giờ chị đã tháo dỡ, nhưng họ vẫn chưa cho phép sử dụng điện nước. Nhẫn tâm với dân như thế có lẽ là hết cỡ rồi.
Vì không được xây dựng, các cháu ở trường mầm non xã Đường Lâm buộc phải ở tạm bợ trong những phòng học chật chội kinh khủng: 90 cháu một phòng. Đây là chuyện lạ ở một vùng quê trù phú, trực thuộc thủ đô Hà Nội.
Thậm chí, hiệu trưởng trường mầm non Đường Lâm, cô giáo Hải phải làm việc chính thức và tiếp nhà báo ngay trong cái nhà vệ sinh cơi nới. Trên bờ tường vẫn là gạch ốp chống nước bóng loáng! Cán bộ giáo viên trường mầm non Đường Lâm cũng làm việc trong một cái nhà vệ sinh cải thiện khác!
Người ta chắn ở 3 bề cổng vào Đường Lâm, chặn bất kể ai đi vào, bắt phải mua vé, gửi xe với giá 20.000 đồng/vé. Có người đã bất bình đến mức đeo băng rôn đi phản đối, vì người đi lễ Di tích quốc gia Chùa Mía cũng phải mua vé. Người đi mua bán hàng hóa, thăm thân ở Đường Lâm cũng bị chặn hỏi, yêu cầu hạch sách!
Làng cổ Đường Lâm với bạt ngàn nhà cao tầng, các kiến trúc tân kỳ, nó có đáng để chúng ta bảo vệ một cách cứng nhắc và bất biết đến lợi ích dân sinh như hiện nay không?
Trong khi đó, vì sự buông lỏng quản lý, vì sự bảo tồn nửa vời của cán bộ liên quan suốt 10 năm qua, nên Đường Lâm bây giờ quá tân kỳ, hàng chục nếu không nói là cả trăm nhà cao tầng mọc lên, khiến người tham quan đi xuyên qua làng vẫn hỏi bà con 'đã đến làng cổ chưa hả bác?'. Nên chăng, ta giữ lại hơn 10 ngôi nhà cổ đã được công nhận di tích và được trả tiền mở cửa đón khách như hiện nay thôi, còn khu vực đã “mất cổ kính”, kém quan trọng thì cho bà con cơi nới để họ bớt khổ?
Cán bộ, các nhà quản lý đã "phá" Đường Lâm như thế nào, cán bộ còn xâm hại di sản thì còn "mặt mũi" nào phá nhà dân khi họ cơi nới phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của họ nữa?
Cả con đường bê tông xuyên qua làng, đó cũng là một vi phạm tày trời của cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Nó là thủ phạm lớn nhất phá vỡ không gian làng cổ Đường Lâm, cách đây vài năm, khi thi công nó, Cục Di sản văn hóa và ngành chức năng đã yêu cầu đình chỉ, kiểm tra tính vô lý của con đường “như lưỡi dao bầu chọc tiết di sản” này!
Lao động