DNews

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 "thành phố trong thành phố"

Hà Mỹ

(Dân trí) - Thành phố phía Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai) được hình thành trong tương lai, sẽ là những cực tăng trưởng mới cho Hà Nội, theo Bí thư Đinh Tiến Dũng.

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 "thành phố trong thành phố"

Chia sẻ với báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dành nhiều thời gian nói về các dự án giao thông, hạ tầng cùng những quy hoạch mang ý nghĩa "lịch sử", giúp phát triển thủ đô một cách bền vững, lâu dài.

Nhấn mạnh Hà Nội đã làm được "hai việc lớn" trong năm 2023 bao gồm việc khởi công vành đai 4 đúng tiến độ, song ông Dũng khẳng định thành phố còn rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư, xây dựng và phát triển. Trong đó, nhiều mặt còn khó khăn, hạn chế và bất cập cần giải quyết, nhất là trước những thách thức được đặt ra trong năm mới. 

Sớm xây dựng các cầu vượt sông Hồng

Khẳng định chủ trương chung của thành phố trong nhiệm kỳ này là cố gắng "khép kín" các tuyến đường vành đai, Bí thư Hà Nội cho biết đường vành đai 1 và 2 cơ bản đã xong. Với vành đai 3, còn một đoạn 14km thuộc huyện Đông Anh, thành phố quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Còn lại vành đai 4 đang được triển khai quyết liệt.

Ngoài ra, các tuyến đường cửa ngõ vào thủ đô cũng phải được cải thiện. Thành phố đã quyết định đầu tư đoạn từ Hà Đông đi Xuân Mai có quy mô chiều rộng tương đương đường Nguyễn Trãi. Đoạn từ cuối Đại lộ Thăng Long lên cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng được làm to rộng hơn.

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển hạ tầng, giao thông của thành phố nhằm "giải nén đô thị" (Ảnh: VGP).

Nhiệm vụ quan trọng khác, theo ông Dũng, là Hà Nội phải tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng nhằm tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như các cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi, Thượng Cát...

Đồng thời, thành phố phối hợp để sớm triển khai xây dựng 3 cầu trên đường vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống.

"Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành vành đai 4. Tuy nhiên, do các cầu này thuộc tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 (PPP) của dự án vành đai 4, nên tiến độ chậm", ông Dũng nói.

Vì vậy, Hà Nội đang kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai thực hiện những tiểu dự án này như một dự án đầu tư công thông thường để rút ngắn tiến độ.

Xác định phát triển hệ thống giao thông công cộng gắn với xây dựng hai thành phố trực thuộc mới có thể giải nén đô thị, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lo ngại nếu không chuẩn bị thủ tục ngay, đến năm 2026 sẽ không có hồ sơ để quyết định được. Nếu đến lúc đó mới quyết định danh mục, thành phố cần thêm 3-5 năm sau mới có dự án để triển khai.

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 2

9 cầu được Hà Nội dự kiến xây dựng theo dự thảo đồ án Quy hoạch chung thủ đô năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ họa: Thủy Tiên - Hà Mỹ).

Ông Dũng cho biết trong năm 2024, Hà Nội chỉ đạo đưa vào vận hành đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Cùng với đó, đoạn ngầm từ Kim Mã về ga Hà Nội đã tháo gỡ vướng mắc, nên sắp tới cũng được tập trung triển khai.

Thứ hai là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đầu tư để nối tiếp lên đến Xuân Mai. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm tuyến metro Văn Cao - Hòa Lạc nhằm tạo động lực thúc đẩy phía tây thành phố.

Thêm một tuyến quan trọng khác cũng được ưu tiên triển khai sớm là từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố.

"Thành phố sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ để kết nối các khu vực trong Hà Nội mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Tới đây, nội dung này sẽ được cập nhật vào các quy hoạch", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội đã hoàn thành "hai việc lớn"

Đề cập đến lĩnh vực hạ tầng, giao thông trong năm 2023, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội nhắc đến "hai việc lớn".

Thứ nhất, Hà Nội đã khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng kế hoạch. Đây là dự án mang tính chiến lược, là động lực kết nối vùng, thúc đẩy tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội.

Ông Dũng cho biết vừa qua đã đi kiểm tra dọc tuyến qua 7 quận, huyện ở Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, làm việc với các bên. "Nhìn chung, tình hình tiến độ rất khả quan", theo lời ông Dũng.

Trong đó, ông cho biết cả 3 tỉnh, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 93% diện tích, riêng Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất - hơn 96%. Các địa phương đều quyết tâm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3.

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 3
Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 4
Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 5
Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 6

Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, trong đó có 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong tháng 1, chậm nhất là quý I năm nay.

Với tình hình tiến độ hiện nay, Bí thư Hà Nội kỳ vọng trong năm 2025, đường song hành vành đai 4 sẽ được hoàn thành. Dù vậy ông Dũng cho biết với thủ tục liên quan đến dự án thành phần PPP, các địa phương vẫn rất cần sự hỗ trợ, đẩy nhanh của các bộ, ngành Trung ương.

Việc lớn thứ hai được ông Đinh Tiến Dũng nhắc tới là Hà Nội đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển thủ đô thông qua 3 nội dung.

Đó là phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển. Cả 3 nhiệm vụ này đến nay đều cho kết quả tốt.

Trong đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại kỳ họp thứ sáu; HĐND thành phố đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành.

"Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua 3 nội dung quan trọng trên vào kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5 năm nay. Đây là những việc rất lớn và có ý nghĩa lịch sử, quyết định đến sự phát triển bền vững, lâu dài của thủ đô", ông Dũng cho biết.

5 trục phát triển và hai thành phố trực thuộc Hà Nội

Theo dự thảo đề án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối năm qua, Hà Nội sẽ có 5 trục phát triển và định hướng có hai thành phố trực thuộc là phía Bắc sông Hồng (gồm Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và phía Tây (gồm Hòa Lạc - Xuân Mai).

Bí thư Hà Nội cho biết với thành phố phía Bắc sông Hồng, điều kiện thuận lợi là huyện Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Nhiều dự án lớn ở khu vực này đang được triển khai.

Theo đó, đây sẽ là thành phố có chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài. Tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.

Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 7
Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 8
Bí thư Hà Nội chia sẻ định hướng phát triển 2 thành phố trong thành phố - 9

Với thành phố phía Tây, để tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện kế hoạch này, Chính phủ cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác Khu công nghệ cao Hòa Lạc. 

Với quy mô lớn và khả năng trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là hạt nhân của thành phố phía Tây.

Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Bí thư Hà Nội kỳ vọng có thêm cơ chế để đưa các trường đại học, học viện về khu vực này. Đây là điều kiện để thành phố phía Tây sẽ sớm hình thành…

"Tập trung xây dựng 2 thành phố này, chúng ta sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, thực hiện được chủ trương phát triển đồng đều và quan trọng là kéo giãn mật độ dân số vùng lõi thủ đô", ông Dũng nói. 

Song song với phát triển đô thị, Hà Nội sẽ quy hoạch làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân...