1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Bí ẩn cụm tháp nổi lên giữa sóng nước đầm Thị Nại ở Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Nằm trên bãi đá nổi giữa mênh mông sóng nước đầm Thị Nại, nhân dân địa phương gọi là tháp Thầy Bói nổi tiếng linh thiêng, tuy nhiên đến nay nguồn gốc, thời gian xây dựng tháp vẫn là một bí ẩn.

Nhìn từ cầu Thị Nại, dễ dàng nhận ra cụm tháp nhô lên giữa đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), nhân dân địa phương xưa nay gọi là tháp Thầy Bói.

Để mục sở thị cụm tháp này, du khách phải đi bằng ghe (thuyền) máy từ cảng cá Quy Nhơn, mỗi chuyến 300.000 đồng và mất khoảng 10 phút di chuyển.

Bí ẩn cụm tháp nổi lên giữa sóng nước đầm Thị Nại ở Bình Định - 1

Tháp Thầy Bói nhô lên giữa sóng nước đầm Thị Nại, thành phố Quy Nhơn (Ảnh: Doãn Công).

Theo người dân sống ven đầm Thị Nại, tháp Thầy Bói được xây dựng từ lâu. Về nguồn gốc, thời gian xây dựng tháp, đến nay vẫn là một bí ẩn.

"Lớn lên tôi đã nghe ông bà kể về tháp Thầy Bói rất linh thiêng, vì vậy không chỉ người dân địa phương mà người ở các tỉnh, thành khác tìm ra tháp này để đi lễ, cầu may mắn.

Ngư dân biển chúng tôi thì cầu ra khơi trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, còn người buôn bán thì cầu mua may bán đắt…", bà Lê Thị Trúc (60 tuổi), sống ven đầm Thị Nại nói.

Qua tìm hiểu, tháp Thầy Bói được nhắc đến trong sách Đại Nam nhất thống chí (bộ sách dư địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ thời vua Tự Đức).

Dựa trên các tài liệu của sứ đoàn người Anh đến Quy Nhơn năm 1778, nhà nghiên cứu Phan Trường Nghị (ở Bình Định) đưa ra giả thuyết, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn tổ chức lễ hiến tế tại tháp Thầy Bói vào ngày 26/7/1778 để cầu an cho binh lính của mình vừa bị thất trận ở Gia Định.

Bí ẩn cụm tháp nổi lên giữa sóng nước đầm Thị Nại ở Bình Định - 2

Tháp chính nằm ở vị trí chính giữa, là điểm cao nhất của bãi đá (Ảnh: Doãn Công).

Trong sách Nước non Bình Định, Quách Tấn viết: "Trong đầm Thị Nại ở phía Tây, gần Quy Nhơn, giữa mênh mông sóng nước nổi lên một cụm đá rộng chừng vài sào và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói".

Tương truyền, xưa kia có một vị sư xem bói rất hay, xây một tòa tháp tại đó. Ai muốn hỏi phải chịu khó đi thuyền ra. Sau khi ông qua đời, tháp không có người trông coi, bị sóng gió đánh sập. Để tưởng nhớ vị thầy giỏi và thờ thủy thần, người dân địa phương đã xây một ngôi miếu thờ chắc chắn. Từ đó cụm đá được người dân gọi là tháp Thầy Bói.

Cũng có người giải thích, tháp Thầy Bói còn gọi là chim bói cá, một loài chim thường trú ngụ ở các gành đá để bắt mồi. 

Bí ẩn cụm tháp nổi lên giữa sóng nước đầm Thị Nại ở Bình Định - 3

Cụm tháp chính và các công trình tâm linh được người dân địa phương tự bỏ tiền ra xây dựng (Ảnh: Doãn Công).

Đến nay, không ai xác định tích nào mới là đúng, cũng không ai có thể trả lời cho câu hỏi, cụm đá có tên tháp Thầy Bói xuất hiện từ khi nào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự xuất hiện của tháp Thầy Bói trên đầm Thị Nại khiến cảnh quan nơi đây thêm sinh động, linh thiêng, trở thành điểm đến mới của du khách thời gian qua.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, cho biết đến nay tích về tháp Thầy Bói vẫn là bí ẩn, cần có nghiên cứu khoa học để xác định.

"Theo truyền miệng, tháp Thầy Bói rất linh thiêng. Vấn đề tháp này có linh thiêng hay không chưa xác định được, nhưng đây là điểm mà nhiều người dân, du khách hay đến tham quan, thắp hương.

Do vậy, UBND thành phố Quy Nhơn mới có ý tưởng, đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo nhằm nâng tầm tháp Thầy Bói trở thành điểm nhấn cho du khách khi đến thành phố biển Quy Nhơn", ông Nam nói.

Mới đây, UBND thành phố Quy Nhơn đề xuất cải tạo, nâng cấp tháp Thầy Bói gắn với cảnh quan khu vực xung quanh để tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại đây. Dự kiến nguồn kinh phí khoảng hơn 3 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục như: xây dựng, sửa chữa miếu thờ, tháp hóa vàng và bình phong, nhà vệ sinh và bình phong, xây dựng 4 chòi nghỉ xung quanh tháp.

Ngoài ra, xây dựng bến thuyền, đường dạo bộ, mái che, hệ thống ghế ngồi nghỉ; lắp đặt hệ thống điện mặt trời và pin trữ phục vụ chiếu sáng; lắp đặt bồn chứa nước và 1 thuyền chở nước phục vụ cho tháp.