Bến xe 35 tỷ đồng "chết yểu" giữa thành phố Ninh Bình
(Dân trí) - Bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình được đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Do không có xe và hành khách ra vào, dự án đang "chết yểu" vì mỗi ngày chỉ thu được... 170 nghìn đồng.
Tháng 6/2018, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình ký quyết định công bố, đưa bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình vào khai thác. Đây là bến xe khách đạt quy chuẩn loại 1, khang trang hiện đại nhất tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Thời điểm đưa vào khai thác, bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình được đầu tư khang trang với nhà điều hành, bán vé, các phòng chức năng (2 tầng), khu vực đỗ xe rộng rãi có thể tiếp nhận 40-50 xe đón trả khách/lượt và các dịch vụ liên quan khác.
Bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình được đưa vào hoạt động còn với mục đích chuyển dần bến xe khách trung tâm thành phố Ninh Bình về đây để giảm thiểu phương tiện xe khách ra vào thành phố.
Tuy nhiên, từ khi khánh thành đưa vào sử dụng, bến xe khách này luôn trong tình trạng vắng khách. Các nhà xe không đăng ký được vào bến, việc phân luồng không cho xe khách vào thành phố Ninh Bình… dẫn đến tình trạng bến xe "chết yểu" nhiều năm qua.
Ông Phạm Văn Phương, Trưởng bến xe phía Đông thành phố Ninh Bình, cho biết khi mới đưa vào khai thác, bến xe có 2-3 nhà xe đăng ký tuyến ngoại tỉnh. Tuy nhiên, sau đó không có khách nên các nhà xe cũng bỏ bến không vào nữa.
"Hiện tại cả bến xe hiện đại khang trang này chỉ có đúng một nhà xe đăng ký chạy tuyến Ninh Bình - Vĩnh Phúc với 2 giờ xuất bến. Số tiền bến xe thu được từ hai lốt xe đăng ký mỗi ngày chỉ vỏn vẹn 170.000 đồng", ông Phương nói.
Theo ông Phương, bến xe vắng xe khách, xe buýt không vào bến có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do tỉnh Ninh Bình phân luồng xe khách không có tuyến cố định, không được vào thành phố.
"Bến xe khách đìu hiu, nguy cơ "chết yểu" một phần là do ngành giao thông vận tải của tỉnh chưa quan tâm đến dự án. Nhiều nhà xe muốn đăng ký vào bến nhưng không được chấp nhận. Bên cạnh đó, nhiều xe vào rồi lại bị chèn ép nên họ đành bỏ bến", ông Phương cho hay.
Trưởng bến xe phía Đông thành phố Ninh Bình cho biết thêm, trước khi bến xe đi vào hoạt động, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình có nhiều quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
"Các quyết định của Sở GTVT tỉnh khi chưa có bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình đều nêu rõ, khi bến xe phía Đông đưa vào hoạt động thì một số tuyến xe buýt phải vào bến dừng, đỗ đón trả khách.
Tuy nhiên, sau khi bến xe đưa vào khai thác, Sở GTVT tỉnh lại có văn bản cho xe buýt đỗ ngoài đường, ngay trước bến xe. Các văn bản kiểu tiền hậu bất nhất như vậy, chẳng khác nào gây khó cho bến xe", Trưởng bến xe khách nêu quan điểm.
Ông Phương cho biết thêm, thời điểm bến xe phía Đông thành phố Ninh Bình được tỉnh cho phép xây dựng, yêu cầu phải hoàn thành sớm để di dời bến xe trung tâm về. Tuy nhiên, sau khi bến xe xây dựng xong, đến nay đã hơn 5 năm nhưng không thấy tỉnh di dời bến xe trung tâm.
"Nếu tỉnh cho di dời bến xe trung tâm về bến xe phía Đông, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận hết bộ máy nhân sự của bến xe cũ. Điều này sẽ giúp tỉnh thực hiện việc di dời bến xe trung tâm ra khỏi thành phố một cách dễ dàng mà không gặp phải bất cứ vướng mắc gì", ông Phương nói.
Do không có xe và hành khách ra vào nên ban điều hành, nhân viên của bến xe đang gặp nhiều khó khăn. Mỗi người hiện phải làm nhiều việc để trang trải, kiếm thêm nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống.
"Mỗi ngày thu được 170 nghìn đồng, hiện tại cả bộ máy của bến xe là 13 người ở các phòng ban. Với số tiền thu được như vậy, chưa đủ trả lương cho một người, chứ nói gì đến việc trang trải các khoản chi khác trong tháng của bến xe", ông Phương chia sẻ.