PhotoStory

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam

Thực hiện: Mạnh Quân

(Dân trí) - Di tích lịch sử "Nhà máy in tiền" là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia năm 2007.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 1

Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 - 1947) nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Tại đây, những tờ "Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc cụ Hồ" đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời. 

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 2

Năm 2010, Nhà nước đã thành lập Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền, tiến hành đầu tư trùng tu, nâng cấp công trình. Tổng diện tích khu di tích rộng 15,5ha với tổng mức đầu tư khoảng trên 270 tỷ đồng.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 3

Ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê trước đây từng là nơi dừng chân của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ chân khi đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa. 

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 4
Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 5

Năm 1946, cơ sở Nhà máy in tiền Tô - panh ở Hà Nội bị lộ, toàn bộ máy móc nhà in đã được di chuyển lên đồn điền Chi Nê. Gia đình ông Đỗ Đình Thiện - một nhà tư sản lớn - đã đón đoàn cán bộ, công nhân viên của nhà máy in tiền về ở và làm việc tại đồn điền của mình.

Bên trong lưu trữ những tư liệu ngành Tài chính Việt Nam những năm đầu thành lập cũng như quá trình hình thành phát triển nhà máy in tiền. Ngoài ra cũng phục dựng lại không gian phòng khách gia đình ông Đỗ Đình Thiện cùng một số hiện vật liên quan.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 6

Phục dựng lại không gian làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đi công tác và dừng nghỉ chân tại nhà máy (năm 1947).

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đây là máy in của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân...". 

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 7

Trong ảnh là khuôn viên di tích 2 được phục dựng lại nơi đặt nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947). Hiện còn 2 dãy nhà, phía trước là kho cà phê, kho chế biến, sân phơi thóc..

Nhà máy in tiền cũng được trao kỷ lục Guinness Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 8

Không gian in tiền đầu tiên, khôi phục lại quá trình in và phát hành đồng tiền Việt Nam.

Buổi sơ khai của chính quyền cách mạng, nhà máy in tiền còn hết sức đơn giản, máy móc chưa hiện đại nên cách thức in tiền cũng rất thô sơ.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 9

Tại Nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh" vì một mặt in ảnh Bác Hồ, mặt còn lại in hình con trâu màu xanh và hai người nông dân khỏe mạnh đang làm ruộng. 

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 10
Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 11

Sự ra đời của những đồng bạc trên đã mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 12

Gian phòng trưng bày bộ sưu tập tiền còn lưu giữ nhiều hiện vật, tranh ảnh, tư liệu quý liên quan đến ngành Tài chính.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 13

Công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (huyện Lạc Thủy) với quy mô gồm 1 nhà tưởng niệm, 2 nhà bia, nhà phụ trợ, cổng vào nhà tưởng niệm và cổng vào khu di tích.

Bên trong Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - 14

Hiện tại, khu di tích mở cửa miễn phí đón khách tham quan. Nhiều đoàn du lịch đã lựa chọn đây là điểm đến để du khách có thể tới theo dõi và tìm hiểu thêm về nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính.