Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương:
APEC ở Phú Quốc là cơ hội hiếm có quảng bá một Việt Nam hội nhập, đổi mới
(Dân trí) - Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, tỉnh An Giang cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm chuẩn bị cho APEC tại Phú Quốc.
Ngày 22/7, Đoàn công tác Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tham gia đoàn còn có ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Khương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ...

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Bảo Trân).
Sáu nhiệm vụ trọng tâm cho An Giang
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những nỗ lực của tỉnh An Giang trong việc triển khai toàn diện nhiệm vụ chính trị và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trao đổi với tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tập trung vào một số trọng tâm.
Thứ nhất là vận hành hiệu quả chính quyền hai cấp, nhanh chóng hoàn thiện bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin để bộ máy mới hoạt động thông suốt, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng và giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, đồng thời lắng nghe dư luận xã hội về hiệu quả hoạt động của mô hình mới.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn về môi trường kinh doanh, quy hoạch, hạ tầng, vốn, chuyển đổi số và chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, số hóa thủ tục để thúc đẩy các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân và kinh tế số.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đặc khu.
Đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế cơ sở, văn hóa và bảo tồn giá trị truyền thống, cùng với chính sách đối với người có công.
Thứ tư, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại biên giới, biển đảo và các đặc khu. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ chủ quyền, và tăng cường hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia để xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định.
Thứ năm, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh (2025-2030), khẩn trương hoàn thiện văn kiện, đặc biệt là dự thảo báo cáo chính trị, tích hợp các định hướng mới từ Hội nghị Trung ương 12 và 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cuối cùng, ông Nghĩa nhấn mạnh tỉnh đặc biệt phải tập trung tối đa cho công tác chuẩn bị Hội nghị APEC; chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm tại Phú Quốc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc là sự kiện đối ngoại cấp cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ tỉnh An Giang mà với toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Đây là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh Việt Nam hội nhập, đổi mới, thân thiện và năng động ra thế giới; tạo động lực, đòn bẩy phát triển mạnh mẽ cho Phú Quốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, thúc đẩy đầu tư, du lịch, thương mại và hạ tầng toàn vùng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phát biểu trao đổi tại hội nghị (Ảnh: Bảo Trân).
Hàng loạt dự án đang chuẩn bị để phục vụ Hội nghị APEC 2027
Tại buổi làm việc, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, sau sáp nhập, tỉnh An Giang mới có diện tích hơn 9.888km2 và dân số gần 5 triệu người, chính thức đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/7.
Toàn tỉnh có 102 xã, phường, đặc khu, khẳng định tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, thương mại biên giới và du lịch.
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế tỉnh tăng trưởng tích cực 8,12%, đạt 140.000 tỷ đồng GRDP, đứng thứ hai khu vực ĐBSCL.
Các lĩnh vực chủ lực như dịch vụ - du lịch, nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ. Thu ngân sách nhà nước đạt 13.456 tỷ đồng.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Nhàn báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương (Ảnh: Bảo Trân).
Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc với tổng vốn dự kiến lên đến 26.772 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc, thu hút các dự án trọng điểm với tổng vốn 91.548 tỷ đồng, trong đó có Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Về lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tỉnh ủy An Giang đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học - công nghệ ứng dụng và đổi mới sáng tạo vùng Tây Nam Bộ.
Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ và Hội nghị APEC 2027, tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Dự kiến, Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 5/10.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.