1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắt khẩn cấp cán bộ tổ chức đốn cây sưa ở gò Đống Đa

(Dân trí) - Tối ngày 19/8, công an quận Đống Đa đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Cao Anh Sơn, cán bộ Ban quản lý Khu công viên văn hóa Đống Đa. Số tiền mà Cao Anh Sơn đã nhận sau phi vụ này tương đương với… vài chục cân gỗ sưa!

>> Cây gỗ tiền tỷ “biến mất” sau một đêm

>> Thêm một cây “bạc tỷ” bị chặt hạ


>> Cây xanh Hà Nội - SOS


 

Theo nguồn tin của Dân trí, tại buổi làm việc với công an quận Đống Đa chiều ngày 19/8, ông Cao Anh Sơn, trợ lý của ông Quân đã khai nhận việc thông đồng với một số đối tượng bán cây sưa này với giá 48 triệu đồng. Lệnh bắt và khám nhà khẩn cấp đối với Sơn được thực hiện trong buổi tối cùng ngày. Công an quận Đống Đa đã lập biên bản, thu giữ số tiền trên. 

 

Chiều 20/8, Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, công an quận đang tiếp tục điều tra làm rõ phương thức hoạt động để trả lời cho câu hỏi: liệu rằng có đường dây mua bán, khai thác “lậu” gỗ cây sưa trên địa bàn thành phố Hà Nội hay không.

 

Nguồn tin riêng của Dân trí cho hay, thời gian tới, số lượng cá nhân bị bắt giữ liên quan đến phi vụ buôn bán “bạc tỷ” này sẽ còn kéo dài. Hiện cơ quan điều tra đang liên hệ với người mua để tiến hành việc thu hồi cây gỗ sưa bị chặt hạ trái phép.

 

Nghi ngờ cần làm rõ 

 

Một vấn đề cần đặt ra là vai trò của ông Nguyễn Mạnh Quân - Trưởng ban quản lý công viên văn hóa Đống Đa liên quan đến vụ việc này. Chỉ một vài ngày trước khi bị bắt khẩn cấp, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Cao Anh Sơn thừa nhận làm theo chỉ đạo của “sếp” Nguyễn Mạnh Quân. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân luôn một mực khẳng định: ông chỉ đồng ý về việc cho phép chặt hạ cây sưa, còn việc thuê người, phương thức chặt cây hoàn toàn do Sơn (Cao Anh Sơn - PV) thực hiện.  

 

Về việc “đổi công lấy cây”, ông Quân giải thích ông bị ốm nằm nhà nên không theo dõi sát sao (?), sau đó chỉ nghe Cao Anh Sơn báo cáo lại là đã chặt hạ xong, nhóm người chặt cây xin không nhận tiền công, chỉ xin được mang cây về nhà (!).

Một điều còn “lạ” hơn, trước khi đốn cây, ông Nguyễn Mạnh Quân và ông Cao Anh Sơn còn cẩn thận chụp ảnh cây sưa này. Và trong các cuộc làm việc với phóng viên, bức ảnh này được đưa ra như để chứng minh khi có ý kiến nghi ngờ về “sự nguy hiểm đến tính mạng người dân” trong trường hợp có gió bão. Ông Quân giải thích đó là “vì tâm linh”!?

 

Bắt khẩn cấp cán bộ tổ chức đốn cây sưa ở gò Đống Đa - 1

Tấm ảnh này được ông Nguyễn Mạnh Quân thực hiện ngay trước khi đốn hạ cây sưa.

  

Càn quét gỗ sưa

 

Chiều 20/8, ông Phú Anh Tuấn - Đội trưởng đội kiểm lâm cơ động (Chi cục kiểm lâm Hà Nội) cho biết: "Một vài năm trở lại đây, cây sưa trên địa bàn Hà Nội đã bị "dòm ngó". Nhưng các vụ trộm chỉ diễn ra lẻ tẻ. Hồi cuối tháng 6/2006 chúng tôi có phối hợp với công an quận Hoàng Mai bắt quả tang một vụ vận chuyển hai tấm gỗ sưa, mỗi tấm dày 70mm, rộng 40cm, dài 2m".

 

Tuy nhiên, có mặt tại hiện trường vụ chặt hạ cây sưa trên đường Xuân Thủy vào sáng  20/8, một cán bộ của Công ty công viên cây xanh cho biết: “vì đang đợt sốt gỗ sưa nên rất nhiều cây sưa non đã bị… chặt oan”. Theo cán bộ này, lõi gỗ sưa tuy rằng rất quý nhưng chỉ những cây có đường kính trên 30 cm mới thực sự có giá trị.

 

Cây sưa (hoàng đàn) là loại gỗ quý và hiếm vì không thể mọc được thành rừng như các loại cây khác. Thời gian gần đây, loại cây này được giới đầu nậu săn lùng điên cuồng để xuất lậu sang Trung Quốc. Giới buôn lậu gỗ kháo nhau rằng, đây là loại cây có công dụng chữa “bách bệnh” và cũng là loại hương liệu quý. Người ta có thể sử dụng từ mạt cưa trở đi và hầu như không bỏ sót thứ gì của loại cây này. Chính vì sự quý và hiếm đó, giá trị của cây sưa không quy đổi theo m3 thông thường mà được tính bằng ki lô gam với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/kg.

Trên thực tế, thời gian từ đầu năm 2007 trở lại đây, kẻ gian đổ xô đi săn lùng cây gỗ sưa trên địa bàn thành phố Hà Nội và bất kể đến tuổi tác của “nạn nhân”. Tại vườn ươm cầu Diễn của Công ty công viên cây xanh Hà Nội đã không ít lần kẻ gian lẻn vào “đánh nhanh, rút gọn” cành và lá cây sưa! Thậm chí, tại khu vực gò Đống Đa một vài ngày trở lại đây đã xuất hiện tình trạng các đối tượng vi phạm lẻn nhổ trộm những cây sưa non có chiều cao chưa đầy 20 cm!

 

Cũng trong khoảng thời gian này, tại công viên Thống Nhất và một số tuyến phố trung tâm của thành phố Hà Nội, nhiều đối tượng đã trang bị các phương tiên kỹ thuật hiện đại như cưa máy chỉ để hạ các cây có đường kính 20 - 25 cm.

 

Sáng sớm ngày 4/8, một cây sưa có đường kính 23 cm trên đường Hùng Vương, đoạn giáp với phố Nguyễn Thái Học được tình cờ phát hiện trong tình trạng đứt rời ba phần tư cây. Thậm chí phía dưới gốc được ngụy trang bằng một lớp đất khá dày. Sau đó ít ngày, 9/8, một cây sưa trong công viên Thống Nhất cũng bị chặt trộm, công an phường Lê Đại Hành đã bắt được thủ phạm. Chưa hết, đêm ngày 13/8, cây sưa tại khu D6 tập thể Trung Tự bị kẻ xấu chặt trộm nhưng bà con phát hiện được. Bọn trộm chỉ mới chặt được 2/3 đoạn thân sát gốc và 1/3 thân trên sát tán lá. Điều đặc biệt là cây sưa này có đường kính chưa tới 10cm!

 

Địa điểm mà những “lâm tặc” dòm ngó không chỉ tại các khu vực xa trung tâm. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng kế hoạch công ty công viên cây xanh, 4 cây sưa trước cổng UBND Thành phố cũng từng bị hỏi thăm. Lợi dụng trời mưa gió, kẻ gian đã khoanh vài vòng sát gốc cây thăm dò thì lực lượng chức năng phát hiện được và tăng cường canh gác nên cho đến thời điểm này vẫn “bình an vô sự”.

 

Theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, từ đầu năm trở lại đây đã có hơn 20 cây sưa trên địa bàn thành phố bị chặt trộm được phát hiện.

 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thượng tá Trần Trọng Bình, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV (PC 15) - CATP Hà Nội khẳng định: lực lượng chức năng đã quán triệt trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm, tội phạm đối với mặt hàng gỗ sưa. Trước đó, PC 15 đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, lực lượng CSKT Công an các quận, huyện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ sưa.

 

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó trưởng ban thanh tra GTCC Hà Nội cho biết: Theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị thì hành vi chặt phá, bẻ cành, treo biển quảng cáo vào cây xanh đường phố… không đúng quy định bị phạt tiền từ 100 - 500 nghìn đồng. Các trường hợp chặt phá cây gây thiệt hại nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Khen thưởng người có công bảo vệ gỗ sưa

 

Chiều nay, 20/8, Thành Ủy Hà Nội có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thành ủy về việc đốn hạ cây gỗ sưa tại gò Đống Đa. Theo đó, Thường trực Thành ủy đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Giám đốc Công an Thành phố, Sở GTCC, UBND quận Đống Đa xác minh, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh các cán bộ vi phạm; Đồng thời xử lý trách nhiệm của người quản lý trong vụ việc này và các vụ việc tương tự như báo chí nêu; Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý của các cơ quan chức năng liên quan nhằm bảo vệ tốt hệ thống cây xanh, đặc biệt là các cây gỗ quý trên địa bàn thành phố.

 

Đặc biệt, Thường vụ Thành ủy đề nghị “Khuyến khích, khen thưởng kịp thời cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện vi phạm, cung cấp thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý".


Phúc Hưng