"Bão số 4 vào đất liền đúng lúc triều cường lên cao"

(Dân trí) - Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn TƯ cho biết, khoảng 16-19h hôm nay (25/7), tâm bão số 4 sẽ vào đất liền từ phía Nam tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị, trọng tâm là tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, gió mạnh sẽ vào bờ trước tâm bão khoảng 3 giờ. Bão đổ bộ đúng lúc triều cường khu vực này dâng cao nên đặc biệt chú ý công tác tiêu thoát lũ.

Sáng nay (25/7), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 4. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì. Tham dự Hội nghị có các Bộ, ngành liên quan và 6 tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 4 gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Ông Hoàng Đức Cường cho biết, khoảng 16h-19h hôm nay (25/7), tâm bão số 4 sẽ vào các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, khoảng 16h-19h hôm nay (25/7), tâm bão số 4 sẽ vào các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khoảng 16-19h hôm nay (25/7), tâm bão số 4 sẽ vào các tỉnh phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị, trọng tâm là tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, gió mạnh sẽ vào bờ trước khi tâm bão đổ bộ khoảng 3 giờ.

Ông Cường cho biết, trong sáng nay, khu vực Trung Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn, lượng mưa khu vực này trên dưới 200mm. Đây là khu vực có nhiều hồ đập, hồ chứa nhỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn.

"Bão đổ bộ vào đất liền đúng thời điểm triều cường dâng cao lên các địa phương cũng cần chủ động trong công tác tiêu thoát lũ, tránh gây thiệt hại" - ông Cường nói.

Về công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h hôm nay (25/7), các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 72.000 phương tiện/287.407 lao động biết diễn biến, hướng đi của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng tránh thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 20h tối qua (24/7), tỉnh này đã ra lệnh cấm biển. Tính đến sáng nay, đã kêu gọi được hơn 6.200 tàu, thuyền/17.000 lao động về nơi tránh, trú bão an toàn. Mọi công tác chuẩn bị đối phó với bão số 4 tại Hà Tĩnh đã sẵn sàng.


Tàu thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào trú bão ở âu thuyền Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Tàu thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào trú bão ở âu thuyền Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Còn ở Quảng Bình, đại diện lãnh đạo tỉnh này cho biết, cho đến sáng nay không còn tàu, thuyền nào hoạt động trên biển, tất cả đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Công tác tuyên truyền tới các địa phương về tình hình bão số 4 và kế hoạch phòng chống đã được thực hiện từ sớm, đầy đủ.

Tương tự, các địa phương khác nằm trong vùng dự báo ảnh hưởng của bão số 4 cũng đã hoàn tất công tác kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú bão và đã chuẩn bị mọi phương án đối phó với bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không được chủ quan đối phó với bão số 4.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không được chủ quan đối phó với bão số 4.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, các Bộ ngành liên quan không được chủ quan trong ứng phó với bão số 4.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí cần liên tục cập nhật diễn biến báo số 4 để nhân dân nắm được.

Phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, công tác an ninh tại nơi neo đậu tàu thuyền phải đảm bảo để người dân yên tâm đi sơ tán

Ngoài số tàu, thuyền tại địa phương được neo đậu, tránh trú vào nơi an toàn, cũng cần đặc biệt chú ý đến số tàu thuyễn vãng lai di chuyển qua địa bàn.

"Công tác kêu gọi tàu thuyền, lao động trên biển đã làm tốt, nhưng trên đất liền các địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý đến các điểm xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở thì cần tổ chức di dời dân sớm, tránh thiệt hại đáng tiếc. Bên điện lực cũng hết sức lưu ý đến các hồ thủy điện, vì dự báo lượng mưa sẽ rất lớn ở khu vực này" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 6 tỉnh nói trên có diện tích lúa 335.000ha đang ở thời điểm làm đòng, cấy lúa yếu rất dễ bị ảnh hưởng, đe dọa an ninh lương thực cho khu vực này. Do đó, các địa phương cần làm tốt công tác tiêu thoát lũ để tránh thiệt hại cho nông nghiệp.

Bão vào vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị

Hồi 11h ngày 25/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Trong ngày hôm nay vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16,00N đến 19,00N; phía Tây kinh tuyến 109,00E. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m.

Từ trưa nay, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9; ở Nghệ An và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.

Từ ngày 25-27/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-150mm cả đợt). Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và giông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8.

Nguyễn Dương