Bão số 4 áp sát, vùng dự kiến tâm bão căng mình ứng phó

(Dân trí) - Từ trưa ngày 25/7, do ảnh hưởng từ cơn bão số 4, tại địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã bắt đầu xuất hiện mưa to đến rất to. Công tác phòng chống bão lũ của chính quyền địa phương và người dân đã và đang được triển khai rất khẩn trương.

Quảng Bình: Hối hả đưa tàu công suất lớn vào tránh bão

Quảng Bình sẵn sàng ứng phó với bão số 4

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 4, dự báo từ trưa nay đến 24 giờ tới trên địa bàn sẽ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 250mm.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chóng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 9h sáng 25/7, đã có tất cả 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ tránh bão an toàn.

Hiện Quảng Bình còn 97 tàu với 800 lao động đang hoạt động trên biển Đà Nẵng. Các Đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình cũng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão.

Các tàu cá của ngư dân Quảng Bình vào bờ tránh, trú bão
Các tàu cá của ngư dân Quảng Bình vào bờ tránh, trú bão

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ chiều qua đến sáng nay, ngư dân Quảng Bình đang hối hả đưa các tàu công suất lớn vào các điểm neo đậu nằm sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn, với những thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ cũng đã và đang được các ngư dân giằng néo, trùm bạt kín để che mưa.

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay tất cả các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Bình đã vào nơi neo đậu.

Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 2, địa phương này đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, ban ngành kiểm tra hướng dẫn các biện pháp neo đậu thuyền cho ngư dân đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Để chủ động ứng phó với bão, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Người dân địa phương giằng néo, kiểm tra tàu thuyền khi bão số 4 đang đến gần
Người dân địa phương giằng néo, kiểm tra tàu thuyền khi bão số 4 đang đến gần

Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, khu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực các cảng để đảm bảo an toàn, tránh chìm tàu, đứt dây neo, đậu không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu, nhất là khu vực Cảng Hòn La, khu vực xã Cảnh Dương.

UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, cử cán bộ trực tại các hồ chứa để thực hiện việc tích nước theo thiết kế; đồng thời theo dõi bảo đảm an toàn hồ chứa, an toàn đập và vùng hạ du.

Quảng Bình bắt đầu xuất hiện gió to kèm theo mưa lớn
Quảng Bình bắt đầu xuất hiện gió to kèm theo mưa lớn

Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập úng để sẵn sảng triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan bố trí sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống bảo đảm giao thông thông suốt.

Người dân vùng bãi ngang “chạy đua” với bão

Bão số 4 đang di chuyển phức tạp, có khả năng đổ bộ vào Quảng Trị. Từ chiều ngày 24/7, tỉnh Quảng Trị đã ra lệnh cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn. Đến nay, có 2.280 tàu, thuyền với 6.800 người vào nơi neo đậu an toàn.


Ngư dân khẩn trương đưa thuyền vào bờ

Ngư dân khẩn trương đưa thuyền vào bờ

Chiếc thuyền nan cũng là tài sản quý giá nhất đối với người dân vùng bãi ngang
Chiếc thuyền nan cũng là tài sản quý giá nhất đối với người dân vùng bãi ngang

Hiện có 18 chiếc tàu, thuyền với 180 người đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên liên lạc hướng dẫn cụ thể cho tàu về nơi tránh trú.

Ngư dân đội mưa vận chuyển ngư lưới cụ lên bảo quản
Ngư dân đội mưa vận chuyển ngư lưới cụ lên bảo quản

Ông Nguyễn Văn Hóa (xã Gio Hải, Gio Linh) cho hay bão Sonca dự báo có cấp độ nhẹ nên ngư dân chỉ đưa thuyền và ngư lưới cụ vào gần sát hàng cây ven biển.

Bão số 4 áp sát, vùng dự kiến tâm bão căng mình ứng phó - 7

Thu lưới từ thuyền thúng lên bờ
Thu lưới từ thuyền thúng lên bờ

Để tránh thiệt hại về người có thể xảy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng sẵn kế hoạch sơ tán dân cụ thể tránh bão đổ bộ trực tiếp chủ yếu tập trung ở vùng ven biển với 3.381 hộ/7.710 người tại các huyện như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Cồn Cỏ.

Đặc biệt, đối với huyện đảo Cồn Cỏ nếu bão đổ bộ trực tiếp sẽ sơ tán toàn bộ số người có trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.

Hà Tĩnh: Tàu thuyền hối hả vào cảng tránh bão

Từ chiều tối qua đến sáng nay 25/7, các cảng cá tại Hà Tĩnh đã gấp rút triển khai các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tàu thuyền. Ngay khi có thông tin cơn bão số 4, BQL cảng cá đã phối hợp cùng các đơn vị kêu gọi tàu thuyền và giúp đỡ ngư dân neo đậu, giằng néo thuyền. Đến nay, các tàu thuyền ngư dân địa phương đã vào âu trú ẩn an toàn.

Được biết, toàn tỉnh, hiện có có 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động. Đến chiều tối ngày 24/7/2017, còn 7 phương tiện/30 lao động ở vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào bờ; số còn lại đã vào nơi tránh trú tại các âu thuyền trong và ngoài tỉnh.

Các đơn vị phối hợp giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng Cửa Sót.
Các đơn vị phối hợp giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng Cửa Sót.

Tại các cảng cá Hà Tĩnh, theo thống kê củaBQL thì tính đến 8h sáng nay (ngày 25/7) đã có hơn 400 tàu thuyền vào neo đậu.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, hiện còn một số tàu lớn đang chờ ngoài âu, khi triều lên sẽ vào. Thông thường bão sẽ kèm theo triều nhưng nếu không có triều, thì sẽ rất nguy hiểm vì tàu to khó vào âu. Chúng tôi đang theo dõi và đã có phương án xử lý trong trường hợp bão vào mà không có triều.

Đến 8h sáng ngày 25/7, đã có hơn 400 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vào neo đậu ở các cảng cá tại Hà Tĩnh.
Đến 8h sáng ngày 25/7, đã có hơn 400 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh vào neo đậu ở các cảng cá tại Hà Tĩnh.

Trước đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã có Công điện số 08/CĐ-PCTT ngày 22/7/2017, Công điện số 09/CĐ-PCTT ngày 23/7/2017 về việc chủ động ứng phó với bão số 4. Theo đó, công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương ven biển tiếp tục kêu gọi tàu thuyền còn lại đang hoạt động trên bến về nơi tránh trú; hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu an toàn; chủ động sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng khi xẩy ra bão, lũ; vận hành các hệ thống tiêu thoát lũ để chủ động tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn, tuyệt đối không để ngập úng diện tích lúa hè thu và hoa màu do mưa, lũ gây ra...

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng ban hành lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 24/7, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi và đặc biệt là việc quản lý neo đậu các tàu, thuyền tại các khu neo đậu và bến cảng, không để xảy ra tình trạng sóng đánh va đập chìm tàu.

Tiến Thành - Đặng Tài - Đăng Đức - Phượng Vũ