Hà Tĩnh:
Bão quét qua, cây đổ ngổn ngang, nhiều đường bị ngập
(Dân trí) - Cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền rạng sáng nay đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Chưa có thiệt hại về người song nhà cửa tốc mái, cây xanh đổ ngổn ngang khắp nơi...
Cơn bão số 2 đổ bộ vào các tỉnh Bắc trung bộ vào rạng sáng nay, với sức gió cấp 8, giật cấp 9, tại nhiều khu vực ven biển bão giật trên cấp 11.
Đầu giờ sáng nay, 17/7, ông Trần Đức Thịnh - Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tuy chưa có thống kê cụ thể về về cơn bão số 2, nhưng qua nắm thông tin bước đầu tại một số địa phương ven biển thì Hà Tĩnh chưa xảy ra thiệt hại về người.
Tuy nhiên, tình trạng cây cối gãy đổ; nhà cửa tốc mái, biển hiệu nhiều ki-ốt bị gió giật tung xẩy ra khắp mọi nơi trong tỉnh.
Ghi nhận của PV Dân trí, dọc các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Đặng Dung, Nguyễn Công Trứ… (TP Hà Tĩnh), rất nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ gãy. Nhiều cây xanh bị đổ gãy chắn ngang đường, đè lên dây điện.
“Vào khoảng 1h mưa rất lớn, kèm theo gió to. Bên ngoài cây cối đổ gãy, đồ dùng bị thổi bay tứ tung, chúng tôi không ai dám ra ngoài cả”, ông Nguyễn Văn Hải (TP Hà Tĩnh) cho biết.
Ông Lê Quang Huệ, Phó Chủ tịch huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, theo thông kê sơ bộ trên địa bàn có 1 Trường THCS Bình An Thịnh (ở xã Bình Lộc, Lộc Hà) bị sập hoàn toàn phần nóc, mái. Hệ thống cây xanh, nhiều cột điện bị đổ gãy, hư hỏng. Chợ tại xã Thạch Kim bị bốc hoàn toàn, nhiều phần mái nhà dân bị sập, cuốn bay. Đặc biệt khu nuôi trồng thủy hải sản ở xã Thạch Bằng bị vỡ đê quai gây thiệt hại khá nặng nề. Lúa hè thu bị ngập ảnh hưởng khá nặng nề.
“Hiện, huyện đang tập trung 100% quân số đã trực tiếp xuống các cơ sở để giúp dân khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa nhằm sớm ổn định cuộc sống. Hiện con số thiệt hại thì đang thống kê, chưa có con số cụ thể”, ông Huệ cho biết thêm.
Sáng sớm nay, các cơ quan chức năng cùng người dân đang khẩn trương khắc phục hậu để ổn định cuộc sống.
Trong ngày hôm nay, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to (50-100mm), từ đêm nay mưa giảm dần. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa ở các khu vực thuộc Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Mưa đã tạnh nhưng nhiều tuyến đường tại Hà Tĩnh vẫn ngập trong nước.
Tại Nghệ An, ghi nhận của PV Dân trí ở TP Vinh, cây xanh gãy cành, bật gốc khắp nơi, trong đó có nhiều cây to. Đường phố ngập nặng, ảnh hưởng đến giao thông. Có những tuyến đường ngập sâu không thể lưu thông.
Cả khu phố tan tác, người dân sáng sớm tranh thủ bão tan ra dọn dẹp.
Một xe ô tô hư hỏng nặng do bị cây xanh đổ vào.
Nhiều cây to bật gốc.
Nhiều tuyến đường TP Vinh ngập nặng.
Mặc dù không phải là nơi tâm bão đổ bộ, nhưng tại Thanh Hóa cũng đã ghi nhận một số thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của cơn bão số 2.
Rạng sáng ngày 17/7, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên đại lộ Lê Lợi, và nhiều tuyến đường khác ở trung tâm thành phố Thanh Hóa xuất hiện tình trạng cây cối gãy, đổ, bật gốc ngổn ngang ra đường.
Tại các tuyến đường như Nguyễn Du, Trường Thi, Trường Trinh, Cao Thắng, Nguyễn Trãi, Bà Triệu,... hầu hết đều có nhiều cây bị gãy, đổ, nhiều đường dây viễn thông bị đứt.
Riêng tuyến đường đại lộ Lê Lợi có hàng chục cây lớn bé bị gãy, bật gốc trong đó có những cây Muồng, Lát hàng chục năm tuổi bị bật gốc và gãy cành.
Còn trên tuyến đường Trịnh Thị Ngọc Lữ hướng từ đại lộ Lê Lợi vào đã bị cây gãy chắn ngang đường.
Để đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường, người dân cũng như công nhân công ty môi trường đô thị thành phố đang quét dọn đường.
Tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, người dân địa phương phát hiện hai con tàu trôi dạt vào bờ biển. Ghi nhận ban đầu cho thấy, thiệt hại về nhà cửa, sản xuất của người dân là không lớn.
Tại huyện Tĩnh Gia, ngay sau khi bão đổ bộ vào đất liền, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Du khách nghỉ tại bãi biển Hải Hòa đã ra biển chơi ngay sau bão, các hoạt động buôn bán đã diễn ra bình thường.
Trên tuyến quốc lộ 47, qua địa bàn huyện Triệu Sơn cũng đã có một số cây cối gãy đổ, người dân và chính quyền địa phương đã tổ chức dọn dẹp để đảm bảo giao thông.
Một cây to bật gốc.
Thanh Hóa dù không nằm trong vùng tâm bão vẫn ngổn ngang cây gãy đổ.
Văn Dũng - Nguyễn Duy - Xuân Sinh - Duy Tuyên