1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bão lũ, thiên tai vượt mức lịch sử, thiệt hại lớn, lỗi do đâu?

Phương Thảo

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng cùng tham gia trả lời câu hỏi  này tại cuộc họp báo Chính phủ tối 30/10.

Một vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ tối 30/10 liên quan đến miền Trung đang phải oằn mình chống chịu thiên tai, bão lũ là ngoài yếu tố thiên tai lịch sử, cực đoan, những tác động của con người có phải là nguyên nhân (như việc gây mất rừng nguyên sinh, xây dựng nhiều thủy điện…) khiến thiên nhiên “phẫn nộ”?

Không có thủy điện cắt lũ, hậu quả còn khó lường hơn?

Bão lũ, thiên tai vượt mức lịch sử, thiệt hại lớn, lỗi do đâu? - 1
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Công Thành phân tích, so sánh đợt thiên tai vừa xảy ra thì thấy mức độ khốc liệt hơn so với năm bão lũ lịch sử 1999 từng xảy ra ở miền Trung. Trong vòng 20 ngày, khu vực này phải chống chọi với 4 trận bão liên tiếp, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất 20 năm vừa qua. Trong suốt những ngày bão lũ, trời đổ mưa kéo dài với lượng mưa cao hơn mức lịch sử năm 1999.

“Với sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sự nỗ lực của các địa phương, thiệt hại ghi nhận vừa qua phải nói là chỉ bằng 1 phần nhỏ so với năm 1999” – ông Thành quả quyết.

Về nghi vấn hoạt động của con người khiến thiên tai, thảm họa tăng mức độ, nhất là những thiệt hại lớn về tính mạng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, Thứ trưởng Bộ TN-MT chỉ ra, các chuyên gia địa chất đánh giá, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do khu vực miền Trung có địa hình phân hóa cao, sông suối ngắn, độ dốc lớn. Về cấu tạo địa chất, các lớp phong hóa của núi lẫn nhiều đất sét, ngấm nước thành bùn nhão, trọng lượng nặng khiến nguy cơ sạt, trượt kéo xuống dưới khi mưa lớn rất cao.

Mặt khác, ông Thành cũng xác nhận, tác động nhân sinh như việc bạt núi, cắt đồi xây dựng nhà cửa, công trình, trong đó có các thủy điện cũng là yếu tố tạo ra những vệt cát ta-luy, làm mất độ thoải tự nhiên của sườn dốc, dễ dẫn đến sạt lở.

Ông Thành nhận định, đây là những nguyên nhân kích hoạt các sự cố, thảm họa.

Còn về nhận định, lũ lụt, sạt lở gia tăng do mất rừng, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng cần phải đánh giá với từng trường hợp cụ thể. Ông Thành dẫn chứng, năm 2016, Yên Bái đã chứng kiến những cảnh sạt lở đất kinh hoàng từ rừng nguyên sinh. Từ flycam quay, chụp xuống có thể thấy những điểm sạt ở như vết móng hổ cào giữa rừng.

Còn vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế, ông Thành cho biết, sự cố xảy ra khi đang có hoạt động cắt xẻ vào sườn núi để xây dựng công trình.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt khác, Thứ trưởng Bộ TN-MT nhận định, năm nay mưa lũ cao hơn mức lịch sử năm 1999 nhưng các tỉnh đã thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa nhịp nhàng, giúp cắt được rất nhiều lượng nước về hạ du. Nếu không có sự can thiệp này, lượng nước ngập về sẽ cao hơn nhiều mức năm 1999. Nhờ các công trình điều tiết, cắt lũ, tỷ lệ ngập thấp hơn so với nguy cơ.

Về việc đánh giá tác động môi trường với những công trình thủy điện nhỏ, Thứ trưởng Thành khẳng định các yếu tố tác động đặc thù như rừng, thảm phủ thực vật, dòng chảy tối thiểu phải trả lại cho hạ du… luôn được chú trọng. Ngoài ra, luật Lâm nghiệp cũng đã có quy định chặt chẽ với các biện pháp chuyển đổi đất rừng với bất cứ hoạt động, mục đích gì chứ không chỉ thủy điện. Hiện một số thủy điện cũng đã nâng cao nhận thức về việc trồng, tái tạo rừng để đảm bảo nguồn sinh thủy bền vững, hạn chế sạt lở, thảm họa.

“Bộ Tài nguyên cũng đã tham mưu loại bỏ hơn 400 thủy điện nhỏ trong quy hoạch, hơn 200 điểm tiềm năng xây dựng thủy điện cũng được xem xét chặt chẽ, cẩn trọng để tránh những rủi ro thiên tai như trong thời gian vừa qua” – Thứ trưởng Lê Công Thành cảnh báo, từ giờ tới giữa và cuối tháng 11 sẽ còn nhiều đợt mưa lũ nữa, cần chủ động ứng phó.

Cảnh báo thiên tai trước 15 ngày vẫn không “chạy” kịp

Bão lũ, thiên tai vượt mức lịch sử, thiệt hại lớn, lỗi do đâu? - 2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời tại cuộc họp báo.

Tham gia trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đợt thiên tai, bão lũ này đã được nhận định, cảnh báo từ sớm.

Chính phủ đánh giá rất kỹ, rất rõ về chỉ đạo điều hành và cảnh báo thiên tai. Ngay từ đầu tháng 1, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cảnh báo năm 2020 sẽ có khoảng 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn.

“Chúng tôi cũng cảnh báo trước 15 ngày trước trận lũ lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nhận định, đợt thiên tai lần này diễn ra rất dị thường và bất thường. Chưa bao giờ 20 ngày mà có tới 4 trận bão dồn dập tới, lũ chồng lũ, bão chồng bão.

“Vậy nên cảnh báo sớm mà thiệt hại vẫn nặng nề, vẫn có cảnh người dân ngồi trên nóc nhà chờ giải cứu vì chưa kịp chạy lũ. Đó là vì nhiều nơi diện ngập lụt rộng đến mức mà nhà 2 tầng cũng không đối phó nổi, nhiều nơi nhà ngập lút cả tầng 2. Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình có nơi nước dâng gây ngập sâu tới 6,3m. Diện ngập lụt rộng đến mức người dân không biết phải chạy chỗ nào” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.

Bão lũ, thiên tai vượt mức lịch sử, thiệt hại lớn, lỗi do đâu? - 3
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tại họp báo.

Trả lời về biện pháp chống chọi đối với các hình thái mưa lũ cực đoan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết các công trình nhà dân chủ yếu vẫn chống chọi được; thiệt hại chủ yếu là mái tôn, cổng và vách kính. Còn để chống chọi với lũ lụt, ông cho biết nhiều địa phương đã xây dựng các loại nhà chống lũ cao 10-15 m, hoàn toàn có thể vượt qua đỉnh lũ lịch sử. Các hộ dân có thể tích trữ lương thực và sống an toàn tại đây trong nhiều ngày.

 Tuy nhiên, đối với lũ quét và sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được. Ông Hùng cho rằng biện pháp quan trọng nhất là người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

“Chúng ta đã có bản đồ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhưng tỷ lệ là 1/20.000 đến 1/50.000, mỗi xã chỉ là một chấm nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa về tỷ lệ 1/500 thì mới ứng dụng được vào thực tiễn”, ông Hùng cho hay.