1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bão, lũ oanh tạc liên tiếp, Bình Định mất hơn 1.000 tỷ đồng

Doãn Công

(Dân trí) - Liên tiếp bão số 9, 10 và 12 kèm lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh về cả người lẫn tài sản. Theo thống kê, đã có một người chết, 23 người mất tích, 75 nhà sập, hơn 5.600 nhà tốc mái, hư hỏng...

Ngày 13/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, các cơn bão số 9 (ngày 28/10), số 10 (ngày 6/11), số 12 (ngày 10/11) và mưa, lũ lớn do hoàn lưu bão gây ra đã làm 23 người mất tích trên biển, 19 người trên đất liền bị thương; 75 nhà sập, 5.673 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 13.829 nhà ngập nước.

Bão, lũ oanh tạc liên tiếp, Bình Định mất hơn 1.000 tỷ đồng - 1
Nhiều công trình đường giao thông, bờ kè, cầu cống... bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân Bình Định.

Lĩnh vực giao thông cũng bị thiệt hại nặng với 13,2km đường giao thông bị sạt lở; gần 40.000 m3 đất sạt lở, cuốn trôi; 12 chiếc cầu, 26 cống hư hỏng; 9km hệ thống thoát nước dọc trục đường xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh bị hư hỏng; 2,4km kè sông, kè biển, 20,6km kênh mương và 12,6km bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 65 đập tạm, đập bổi bị hư hỏng, cuốn trôi.

Bão, lũ gây thiệt hại 2.489 ha lúa, hoa màu; 3.306 ha cây trồng lâu năm; 1.297 ha rừng trồng bị hư hỏng; 31.365 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 4 tàu cá bị chìm, 11.658 cây xanh, 140 cột điện bị ngã, đổ; 6 công trình cấp nước bị hư hỏng…

Bão, lũ oanh tạc liên tiếp, Bình Định mất hơn 1.000 tỷ đồng - 2
Bình Định vừa nỗ lực khắc phục hậu quả do bão, lũ vừa lo ứng phó với bão 13.

Tổng thiệt hại từ các đợt bão, mưa lũ lớn liên tiếp trong những ngày qua ước tính 1.043 tỷ đồng. Trong đó, bão số 9 ước thiệt hại gần 500 tỷ đồng; bão số 10, 12 và mưa, lũ ước thiệt hại gần 543 tỷ đồng.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão số 13.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ lớn, nhất là đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, di dời các hộ dân sinh sống ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 14h ngày 11/11; nhanh chóng kiểm tra, rà soát và kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão; tổ chức sắp xếp, hướng dẫn tàu cá neo đậu tại các khu neo đậu trú, tránh bão, kiên quyết không cho thuyền viên ở lại trên tàu, trên các lồng bè, chòi canh.

Bão, lũ oanh tạc liên tiếp, Bình Định mất hơn 1.000 tỷ đồng - 3
Bà Lê Thị Nhi (thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) bị sập do bão. Bản thân bà Nhi bị tàn tật lại nuôi 1 con gái mới học lơp 2.

Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai di chuyển ra ngoài vùng ảnh hưởng bão, sắp xếp neo đậu tàu an toàn.

Đặc biệt, các địa phương đã rà soát lại các điểm có nguy cơ bị ngập lũ, triều cường và các điểm có nguy cơ sạt lở; xác định số hộ sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai để sơ tán, di dời đến nơi an toàn.

Lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích tiếp tục được huy động để ứng phó với bão số 13.