Đắk Lắk:
Báo động tình trạng voi nhà chết liên tiếp
(Dân trí) - Số lượng đàn voi nhà tại Đắk Lắk ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, voi liên tiếp chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đe dọa sự tồn tại của loại voi ở đây.
Voi giảm trên 450 con trong vòng 35 năm
Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, số lượng voi nhà từ 502 cá thể vào năm 1980 đến nay (năm 2015) chỉ còn lại 43 cá thể, giảm 459 con. Đây là số liệu hết sức báo động bởi nếu tính trung bình, cứ 10 năm sẽ có khoảng 150 con voi chết.
Từ năm 2007 đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có 21 con voi nhà chết với rất nhiều nguyên nhân như thiếu thức ăn, bị giết hại, do phục vụ du lịch quá sức, kỹ thuật chăm sóc kém…
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, có tới 5 con voi nhà chết, trung bình mỗi tháng chết 1 con. Trong đó, 1 con voi nhà 36 tuổi chết khi bị xích trên đồi để cho ăn (tại huyện Lắk), 1 con 40 tuổi chết vì phục vụ du lịch quá sức (tại huyện Buôn Đôn), 1 con voi đực 33 tuổi gục chết bất thường trên đường đi kiếm ăn từ rừng về nhà (tại huyện Krông Ana), 1 con voi cái chết sau khi bị kẻ gian chém vào đùi và chặt mất đuôi (tại huyện Buôn Đôn) và gần đây nhất là con voi cái 43 tuổi, nặng trên 3 tấn đã chết sau 2 lần gục ngã vì kiệt sức (tại huyện Buôn Đôn).
Phục vụ du lịch quá sức cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của voiVoi cái tại huyện Buôn Đôn chết sau khi bị kẻ gian chém vào chân và chặt đuôi.
Ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi - cho biết, vì voi nhà thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình nên họ là người trực tiếp chăm sóc cũng như sử dụng voi với nhiều mục đích khác nhau. “Trung tâm thường mời chủ voi lên để hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phát thuốc về cho voi khi mắc bệnh còn quyền quản lý là của chủ voi. Để bảo tồn và phát triển voi Trung tâm cần quy hoạch được voi nhà vào trong khu bảo tồn”, ông Luân cho hay.
Cũng theo ông Luân việc phát triển đàn voi nhà duy trì thông qua sinh sản nhưng hiện nay do hạn chế về không gian cũng như thay đổi môi trường, nên hiện nay tỷ lệ voi nhà sinh sản dường như không có.
Kế hoạch bảo tồn triển khai chậm, voi liên tiếp chết
Trong khi số lượng voi nhà ngày càng sụt giảm nghiêm trọng thì voi rừng khả quan hơn. Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 6 - 7 đàn voi hoang dã (voi rừng) với số lượng từ 80 - 100 cá thể sống tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Vì không gian sống ngày càng thu hẹp cũng như cạn kiệt nguồn thức ăn nên voi thường di chuyển vào các khu vực nương rẫy của người dân kiếm ăn. Bên cạnh đó tình trạng săn bắn voi dẫn đến nhiều lần voi rừng tấn công phá hoại người dân gây nguy hiểm.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi đã làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo tồn voi nên không còn hiện tượng voi tiến sâu vào khu dân cư như trước đây, chính vì vậy rất cần xây dựng khu bảo tồn để có phương pháp chăm sóc lâu dài cho đàn voi.
Voi tại Đắk Lắk đang đứng trước bờ vực tuyệt chủngNhằm để bảo tồn, duy trì đàn voi, vào năm 2013 UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng nhằm mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; tăng cường kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi...
Ngày 30/3 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Đây được đánh giá là khu vực có nhiều điều kiện sinh cảnh thuận lợi, phù hợp cho công tác bảo tồn, phát triển loài voi.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn voi khi trong số 85 tỷ đồng để thực hiện dự án thì có 60% kinh phí là từ Trung ương, số còn lại là do ngân sách của tỉnh Đắk Lắk và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Do nguồn kinh phí từ trung ương chưa được triển khai, còn kinh phí từ tỉnh được bố trí từ từ nên chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên chứ chưa thể đầu tư trang thiết bị và hạ tầng cơ sở cho dự án nên hiện tại vẫn chưa được triển khai, trong khi đàn voi ngày càng giảm sút trầm trọng.