1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, chưa có thiệt hại về người

(Dân trí) - Vào lúc hơn 1h sáng nay 11/11, bão Hải Yến đổ bộ vào đất liền địa phận TP Móng Cái - Quảng Ninh gây gió giật lên đến cấp 10, cấp 11. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất thì tính đến 6h sáng, trên toàn tỉnh chưa phát hiện thiệt hại về người.

Từ 1h sáng nay, cơn bão Hải Yến đã tiến vào bờ, khu vực TP Móng Cái gây gió to kèm mưa đã gây ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nhiều biển hiệu quảng cáo và băng rôn treo tại các tuyến đường trung tâm thành phố bị gió quật đổ; nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy cành và một số công trình trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi cơ bão đi qua.

Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, chưa có thiệt hại về người
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đi đi kiểm tra, động viên người dân tại thị xã Quảng Yên tránh bão ở khu vực an toàn trong đêm bão Hải Yến đổ bộ vào bờ (Ảnh: Quốc Cường)

Ông Dương Văn Cơ - Chủ tịch TP Móng Cái - cho biết, cơn bão đã gây gió lớn từ lúc 1h sáng nay trên địa bàn Móng Cái, chưa cập nhật được thiệt hại nào về người nhưng về ảnh hưởng thì địa phương đang thống kê cụ thể.

Trước 20h đêm qua, Móng Cái đã di dời 10 hộ dân tại phường Bắc Sơn đến khu vực tránh bão an toàn. Tại cuộc họp khẩn trước khi bão đổ bộ Phó Chủ tịch Đỗ Thông chỉ đạo địa phương lưu tâm những khu vực có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân phải kiên quyết di dời, không để xảy ra một trường hợp người dân nào bị thiệt hại do bão.

Cũng theo lời ông Cơ, bắt đầu từ đêm qua, Móng Cái đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện việc cấm biên, ngừng việc giao thương để huy động người và tàu thuyền tập trung về hai bờ sông KaLong, khu vực giáp ranh Trung Quốc trú, tránh bão trước 20h. Địa phương cũng chỉ đạo lực lượng ứng cứu, đề phòng nguy cơ vỡ chân đê, sạt lở khu vực sông KaLong và giao đã di chuyển những hộ gia đình khu vực xung yếu dễ bị ảnh hưởng gió bão gây nguy hiểm đến tính mạng, di dời đến khu vực an toàn hơn.


TP Hạ Long, Quảng Ninh sau khi bão Hải Yến đi qua. ( Ảnh: P.H chụp vào lúc hơn 6h sáng 11/11)
TP Hạ Long, Quảng Ninh sau khi bão Hải Yến đi qua. ( Ảnh: P.H chụp vào lúc hơn 6h sáng 11/11)
TP Hạ Long, Quảng Ninh sau khi bão Hải Yến đi qua. (Ảnh: P.H chụp vào lúc hơn 6h sáng 11/11)

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này, bão Hải Yến đã xô đổ một cột ăng ten cao 52m tại TP Uông Bí; có hơn 108 ngôi nhà bị đổ sập, tốc mái; 1 nhà bè trên trên Vịnh Hạ Long bị chìm; hàng ngàn cây xanh bị đổ, bật gốc; hệ thống điện lưới không hoạt động được trên địa bàn thành phố Hạ Long từ hơn 1h sáng nay

Đến hơn 2h sáng nay, bão đã gây gió lớn cấp 10, cấp 11 lên các khu vực TP Hạ Long và các điêm xung yếu tại thị xã Quảng Yên. Tuy nhiên, trong đêm xẩy ra mưa bão, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã được phân công đi thị sát, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng cứu tại các địa phương.

Đích thân Bí thư tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra, động viên chính quyền nhân dân xã Liên Hoà thực hiện nhiệm vụ di dân đi trú ngụ khu vực an toàn; thực hiện các phương án phòng chống bão ngay trong đêm, trước thời điểm bão Hải Yến đổ bộ vào bờ.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 6h sáng nay, bão Hải Yến đổ bộ vào bờ chưa gây thiệt hại nào nghiêm trọng về người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ước tính ban đầu, thiệt hại do bão Hải Yến gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào khoảng 100 tỷ đồng.
 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo công tác ứng cứu bão tại Hải Phòng

 

Đêm qua Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của UB Phòng chống cứu nạn trung ương trực tiếp về Hải Phòng kiểm tra, chỉ đạo việc đối phó bão số 14.

 

Đảo Cô Tô và một số khu vực khác tại Hải Phòng từ đêm qua đã có gió giật cấp 12. Hiện có mưa to diện rộng ở Hải Phòng. Quân khu III huy động gần 100 người, 500 phương tiện sẵn sàng chi viện; hàng vạn dân quân tự vệ cũng tích cực chung sức phòng chống bão. Địa bàn thành phố gió giật cấp 8, cấp 9, bị mất điện. Các cây xăng ngừng hoạt động.

 

Theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, do bão vào lúc triều đang xuống nên hạn chế được sóng cao.
 
Thái Bình: Đổ bệ đỡ cột phát thanh cao 6,5m
 
Bão đổ bộ vào Quảng Ninh, chưa có thiệt hại về người

Một khu tại Trung tâm triển lãm thương mại tỉnh Thái Bình tháo dỡ để di chuyển tránh bão. (Ảnh: H. Ngân)
 

Bắt đầu đêm qua tại Thái Bình đã xuất hiện những đợt mưa vừa trên diện rộng và kéo dài đến khoảng 4-5h sáng nay. Kèm theo đó là những trận gió to. Cho đến đêm vào khoảng 22h, bắt đầu xuất hiện những đợt gió rít liên hồi khoảng cấp 7-8. Sáng nay 11/11, Thái Bình không có mưa.
 
Ông Nguyễn Phú Nhuận Chánh Văn phòng thường trực BCHPCL tỉnh Thái Bình cho hay, do Thái Bình không phải tâm bão đổ bộ nên hiện tại chưa có con số thiệt hại gì nhiều về hoa màu và tài sản. Tuy nhiên người dân tại những vùng thuộc huyện Tiền Hải cho biết, nhiều nơi trên địa bàn huyện bị ngập úng hoa màu vụ đông, các khu nuôi trồng thủy hải sản bị nước tràn vào nhưng chưa kiểm kê được số lượng có thể bị thiệt hại.


Thái Bình đêm qua mưa không quá lớn nhưng gió giật mạnh (Ảnh: H.Ngân)

Thái Bình đêm qua mưa không quá lớn nhưng gió giật mạnh (Ảnh: H.Ngân)
 

Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Bình không có thiệt hại về người do bão số 14. Không có tàu thuyền nào bị đắm. Công trình đê điều của tỉnh đảm bảo an toàn; một số đê kè bị hư hỏng cục bộ, sạt lở nhưng không nghiêm trọng nên chưa cần lực lượng ứng cứu. Các vị trí đê bị sạt lở là đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện Tiền Hải); đê kè Vũ Lăng, Tây Lương (cửa sông Trà Ly, huyện Tiền Hải); đê kè Vũ Bình (huyện Kiến Xương); đê Thụy Dũng (huyện Thái Thụy); đê Nhân Thanh, kè Vũ Đông (TP Thái Bình); kè Đại Nẫm (huyện Quỳnh Phụ).
 
Về nông nghiệp, 34 nghìn ha lúa bị thiệt hại trên 70%. Về thủy sản chưa có báo cáo đánh giá thiệt hại. Bệ đỡ của cột phát thanh cao 6,5m ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ bị đổ. Tuyến cáp quang từ thị trấn Quỳnh Côi đến An Bài bị đứt.
 
Tuy bão không vào Thái Bình, nhưng để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, hôm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình yêu cầu các trường trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình cũng yêu phân công trực cán bộ giáo viên trực theo dõi và chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả do bão, lũ, thiên tai gây ra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc phòng chống lụt bão.
 
Nam Định: Sóng cao 2-3m đe dọa các hàng quán ven biển
 
Sáng ngày 11/11, tại Nam Định hầu như đã hết gió và mưa. Nhưng trên địa bàn huyện Giao Thủy, đặc biệt là bãi biển Quất Lâm, đang có những đợt sóng cao, triều cường dâng khiến nhiều tuyến đường quanh bãi tắm bị ngập; một số đoạn đê đã bị vỡ.
 

Sóng dâng cao kèm theo cát đang dần phủ trắng một số tuyến đường quanh bãi biển, đe dọa trực tiếp đến nhiều hộ dân nơi đây. Hiện tại hầu hết các ki ốt và nhà hàng, các hộ dân quanh bãi biển đã di dời đi nơi khác.

Sóng to cùng với triều cường khiến nguy cơ ngập lụt rất cao.
Sóng to cùng với triều cường khiến nguy cơ ngập lụt rất cao.

Chính quyền địa phương đang tiến hành gia cố lại những tuyến đê bị vỡ và sơ tán, di dời một số hộ quanh vùng bãi tắm để tránh những thiệt hại từ nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng.

Thanh Tùng

 

Báo điện tử Dân trí rất mong nhận được các video do bạn đọc gửi đến chia sẻ thông tin về cơn bão số 14. Bạn đọc có thể gửi video về địa chỉ tv@dantri.com.vn, xahoi@dantri.com.vn. Xem hướng dẫn tại đây.

 

Quốc Cường - Thu Hằng - Hồng Ngân - Thanh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm