1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Vụ “trùm lừa” Nguyễn Đức Chi:

Báo chí đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo

(Dân trí) - Sáng 5/7, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ. Cuộc họp thu hút tất cả các báo có mặt tại Khánh Hòa vì theo kế hoạch sẽ có đại diện UBND tỉnh công bố kết luận của Chủ tịch tỉnh về dự án Khu du lịch cao cấp Rusalka của <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/skphapluat/2005/6/62346.vip">Nguyễn Đức Chi</a>, một vụ lừa đảo đang làm nóng dư luận cả nước.

Nhưng thông báo kết luận do Phó văn phòng phụ trách hành chính đọc chỉ là một văn bản rất ngắn gọn khẳng định Sở địa chính (nay là Sở Tài nguyên Môi trường) và thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ có một thiếu sót là đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi ký hợp đồng cho thuê đất, ngoài ra tỉnh đã làm đúng thủ tục và có trách nhiệm trong tham mưu cho Bộ KHĐT và Tổng cục địa chính (nay là Bộ Tài nguyên Môi trường) trình Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép đầu tư, cho thuê đất đối với dự án Rusalka. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê cho Công ty R.I.T là đúng đối tượng. 

 

Không được đáp ứng đầy đủ thông tin như mong đợi, ngay tại kỳ họp, đại diện của hơn 20 cơ quan báo chí tại Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp báo sớm nhất về dự án Khu du lịch cao cấp Rusalka của Nguyễn Đức Chi.

 

Như chúng tôi đã đưa tin, do đề nghị của RIT, tỉnh Khánh Hòa đã phải bỏ tiền mở một đoạn đường mới và giao cho RIT đoạn đường cũ đi qua khu đất của dự án. Vì vậy, theo chủ trương của tỉnh, RIT phải trả lại tỉnh Khánh Hòa 11,5 tỉ đồng, sau đó mới được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Tuy nhiên, trên thực tế RIT chưa nộp tiền mà vẫn được cấp “sổ đỏ”.

 

Sau đó, Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị của RIT đã bị bắt về hành vi lừa đảo với khoản nợ khổng lồ và RIT cũng không có khả năng trả số tiền 11,5 tỉ đồng nêu trên. Như vậy, kết luận ngày 4/7 của UBND tỉnh Khánh Hòa đã không đề cập cụ thể trách nhiệm các cá nhân trong việc không thu được số tiền mà RIT phải trả, cũng như biện pháp thu hồi 11,5 tỉ đồng.

 

Theo hồ sơ địa chính, diện tích đất của dự án Rusalka là 438.650m2, được chia thành 3 khu là A, B và C. RIT mới tiến hành san lấp đất và xây dựng một số công trình tại khu C, diện tích 131.764m2. Ngày 23/10/2003, RIT và Ngân hàng Thương mại cổ phần quân đội có đơn gửi Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa, yêu cầu đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

 

Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa chứng nhận việc bảo lãnh như sau: “Được bảo lãnh bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty gắn liền với diện tích đất 131.764m2 tại khu C”.

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Khánh Hòa cho biết đoạn đường 11,5 tỉ đồng nêu trên không thuộc khu C, tức là đoạn đường này không được đưa vào giá trị tài sản thế chấp của RIT. Vì thế, có người “rung đùi”: đoạn đường 11,5 tỉ đồng kia vẫn còn đó, đối tác nào tiếp tục triển khai dự án Rusalka sẽ phải trả cho tỉnh khoản này.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đừng “tưởng bở”. Bởi lẽ, quyết định số phận dự án Rusalka không chỉ có UBND tỉnh Khánh Hòa mà còn là một loạt chủ nợ của RIT. Những chủ nợ (cũng là nạn nhân) của RIT - đã bị tổn thất nặng nề do hành vi lừa đảo của Nguyễn Đức Chi - không dễ chấp nhận tiếp tục dự án Rusalka với điều kiện phải trả cho tỉnh Khánh Hòa 11,5 tỉ đồng. Bởi vậy, hy vọng đòi được khoản 11,5 tỉ đồng này xem ra còn xa vời. Và một khi khoản tiền này bị thất thoát, tức là thiệt hại nghiêm trọng xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái của những người liên quan.

 

B.Chương

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi