(Dân trí) - Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, do giám sát quyền lực không chặt nên nhiều cán bộ lợi dụng để sai phạm, biến công quyền thành tư quyền để mưu lợi cho cá nhân. Đó là biểu hiện của tha hóa quyền lực.
Hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị "cuốn" đi sau những "cơn bão" mang tên Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC... Nhiều người gọi đó là những phép thử đau đớn trong công tác cán bộ, bởi một khi không giữ mình, không kiểm soát được quyền lực, cán bộ sẽ dễ dàng rơi vòng xoáy tiền - quyền. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng đang dốc toàn lực để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuối tháng 12/2021, người viết bài này nhận được lời khẩn cầu của người phụ nữ hàng xóm chỉ cách trở về Việt Nam. Dù đã đăng ký và đặt được vé, nhưng cô ấy phải ngậm ngùi nhận lại số tiền đã đặt cùng dòng thông báo "không còn suất". Bất đắc dĩ, người phụ nữ ấy sau nhiều vòng hỏi han, đã chấp nhận bay từ Tây Ban Nha về Campuchia, rồi đi qua cửa khẩu Mộc Bài về Việt Nam.
Đó chính là thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ, còn người hàng xóm của tôi bị mắc kẹt nơi xứ người sau 2 tuần sang nước bạn công tác. Đây cũng là tình cảnh chung của không ít người Việt khi đó.
Trở về quê hương vào thời điểm ấy là một "ước mơ xa xỉ", nhưng nhiều người Việt ở nước ngoài chưa bao giờ hết hy vọng, bởi họ vẫn được đọc thông tin về những chuyến bay giải cứu hỗ trợ đưa người Việt hồi hương.
Và rồi, không ai ngờ rằng chính chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước lại trở thành cơ hội trục lợi cho những kẻ tha hóa. Chuyến bay giải cứu vì thế mà trở thành đại án.
"Cơn bão" Việt Á chưa kịp lắng xuống, cả hệ thống chính trị lại tiếp tục rúng động với "quả bom" mang tên "chuyến bay giải cứu". Ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đánh dấu thời điểm phanh phui một trong những vụ tiêu cực có quy mô và tính chất phức tạp nhất từ trước tới nay.
Bốn bị can đầu tiên bị khởi tố trong vụ án chuyến bay giải cứu gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự và ba thuộc cấp, liên quan đến những sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi.
Thời điểm xảy ra vụ việc cũng chính là giai đoạn cả nước đang chao đảo vì đại dịch Covid-19, khiến tất cả chuyến bay thương mại quốc tế phải tạm dừng. Đại dịch không chỉ lan nhanh ở Việt Nam mà hoành hành khắp thế giới, thậm chí nhiều nơi khốc liệt hơn tình hình trong nước. Cũng bởi lẽ đó, không ít người Việt Nam ở nước ngoài khao khát trở về quê hương, và khi đóng các chuyến bay thương mại, họ chỉ còn lựa chọn duy nhất: Trông chờ vào chuyến bay giải cứu.
Song do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi số "chuyến bay giải cứu" lại có hạn, việc kiếm được một tấm vé về nước lúc ấy còn "quý hơn vàng". Nhưng cũng chính khi đó, dư luận xôn xao thông tin về "chi phí trên trời" cho mỗi chiếc vé hồi hương.
Những thông tin ấy đã được Bộ Công an xác minh, kết luận bằng việc khởi tố vụ án tại Cục Lãnh sự. Như vậy, từ một chủ trương vô cùng nhân văn của Đảng, Chính phủ, "chuyến bay giải cứu" đã bị loạt cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi.
Sau khi mở rộng điều tra, gửi văn bản tới hàng loạt bộ, ngành, địa phương liên quan việc tiếp nhận các "chuyến bay giải cứu", Bộ Công an đến nay đã khởi tố hơn 50 bị can.
Bắt đầu từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cơ quan điều tra lật mở từng manh mối và điều tra sự liên quan của các bị can đang công tác tại Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương.
Trong số những cán bộ vướng vòng lao lý tiếp theo có ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực); ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), ông Trần Việt Thái (cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia)… cùng nhiều đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola, bị cáo buộc Nhận hối lộ.
Không chỉ có sai phạm ở các bộ ngành, nhiều lãnh đạo địa phương cũng được xác định có liên quan đến chuyên án "chuyến bay giải cứu". Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội và ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, lần lượt bị gọi tên và cùng bị điều tra về tội danh Nhận hối lộ.
Gần 2.000 là số chuyến bay giải cứu được thực hiện trong giai đoạn đại dịch hoành hành. Chủ trương nhân văn, song có chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền "bỏ túi" vẫn lên đến vài tỷ đồng.
Lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng cho biết các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu vẫn phải chờ kết quả điều tra chính thức.
"Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là hơn 80 tỷ đồng", theo thống kê từ Bộ Công an.
Thời điểm xảy ra đại dịch, chủ trương nhân văn "chuyến bay giải cứu" của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được coi như một dấu ấn ngoại giao.
Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp ấy đã bị không ít cán bộ thoái hóa biến chất cấu kết với các cá nhân vụ lợi làm hoen ố. Họ bất chấp khó khăn trong đại dịch để biến nhu cầu hồi hương của đồng bào thành cơ hội kiếm chác.
Chính vì thế, quan điểm được quán triệt rõ ràng lúc đó là không khoan nhượng với những kẻ biến chất, vụ lợi, cho thấy sự kiên quyết làm trong sạch bộ máy, không để những "con sâu" lọt lưới và tiếp tục "làm rầu nồi canh".
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra khẳng định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi trong vụ án chuyến bay giải cứu. Hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả Trung ương và địa phương.
"Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc", ông Xô nói.
Gọi "chuyến bay giải cứu" hay "Việt Á" là những nỗi đau của đất nước, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam) cho rằng nỗi đau này không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, mà quan trọng hơn, nó dẫn đến việc mất cán bộ, làm lung lay niềm tin của nhân dân.
Nhưng nếu nhìn khái quát kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra đời và do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công cuộc này đã tạo ra bước ngoặt lớn, củng cố lòng tin của nhân dân.
Dù đấu tranh tốt, song theo ông Cương, việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực lại chưa thật hiệu quả.
Qua những đại án như Việt Á, chuyến bay giải cứu, tướng Cương nhận định vấn đề giám sát quyền lực ở Việt Nam chưa chặt chẽ, nếu không muốn nói là lỏng lẻo.
Ông phân tích một trong những nguyên nhân của tha hóa, tham nhũng phổ biến là do quyền lực không được giám sát chặt chẽ. "Khi quyền lực không được giám sát chặt chẽ thì sớm muộn cũng tha hóa, không có ngoại lệ. Đó là quy luật của thế giới", ông Cương nói.
Đã từng đến và tìm hiểu ở những quốc gia được coi là có Nhà nước trong sạch nhất thế giới như Singapore, Thụy Điển, Phần Lan, New Zeland… tướng Cương đưa ra nhận định các nước này đều có điểm chung là quyền lực của quan chức, công chức được giám sát rất chặt chẽ.
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, ông Cương cho rằng do giám sát quyền lực không chặt nên quan chức, công chức thường lợi dụng để sai phạm, biến công quyền thành tư quyền để mưu lợi cho cá nhân, gia đình, hội nhóm. Đó là những biểu hiện của tha hóa quyền lực.
Góp ý giải pháp để kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh trước hết cần rà soát, sửa đổi, bổ sung lại toàn bộ hệ thống luật pháp để làm rõ quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Ông nhìn nhận các văn bản pháp luật hiện hành còn quy định chung chung, chưa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao hay các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh.
Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến việc cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, ông Cương đánh giá việc này chưa được làm tốt.
Giải pháp khác, theo tướng Cương, là xem xét hệ thống giám sát quyền lực ở Việt Nam bằng cách tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho những cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đánh giá hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua khá hiệu quả, ông Cương kiến nghị nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan này. Đơn cử, Đại hội Đảng toàn quốc ngoài bầu Tổng Bí thư sẽ bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thay vì để Ban Chấp hành Trung ương bầu như hiện nay.
"Ở địa phương cũng vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ do đại hội đảng bộ tỉnh bầu. Nếu để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cử ra thì nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy rất nhỏ, làm sao kiểm tra được bí thư, chủ tịch tỉnh", theo quan điểm của tướng Cương.
Ông đồng thời đề xuất thành lập một Ủy ban Giám sát quyền lực quốc gia thuộc Quốc hội, do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị, làm Chủ nhiệm Ủy ban. "Khi có cơ chế mạnh mới làm hiệu quả, có thể gọi bộ trưởng, chủ tịch tỉnh lên giải trình khi có những thông tin sai phạm", ông Cương nói.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng trong thời gian tới, cần triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là quyết liệt xử lý nghiêm tham nhũng về kinh tế, tham nhũng…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Ghi nhận hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang từng bước được hoàn thiện, song theo ông Hà, cơ chế kiểm soát thu nhập quan chức và kiểm soát quyền lực đối với đội ngũ này vẫn còn những bất cập lớn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà ủng hộ đề xuất xây dựng Luật Đạo đức quan chức và luật hóa tội làm giàu bất chính, bổ sung cơ chế tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thu nhập quan chức, trong kiểm soát quyền lực quan chức.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng…
Để xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, ông Hà cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn lại hệ thống cơ quan hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch.
Song song với đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Hoàn thiện cơ chế pháp lý nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng là một giải pháp để quyền lực được kiểm soát tốt hơn. Cụ thể, theo vị đại biểu Quốc hội, cần có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, dàn trải. Đặc biệt cần tăng cường giám sát, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp góp ý.
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Đỗ Diệp